Cán bộ, nguyên cán bộ, lãnh đạo thiếu gương mẫu khi lấn chiếm, xây dựng trái phép
Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh nêu nhiều vấn đề nóng tồn tại trong tỉnh, điển hình như tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép nhức nhối, kéo dài trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đây là câu chuyện dài cần có thời gian để tháo gỡ từng bước.
“Sau khi khảo sát thực tế chúng tôi nhận thấy có nhiều trường hợp, hoàn cảnh trong đó rất khó khăn và có lý do và yếu tố lịch sử, lâu dài. Vì vậy chúng tôi chỉ đạo các bên liên quan cần rà soát lại tất cả để phân loại, xử lý từng trường hợp. Đối với trường hợp có lý do chính đáng thì cần bố trí tái định cư, nơi ở mới cho người dân. Trường hợp cố tình vi phạm thì xử lý nghiêm”, ông Tuấn cho hay.
Về các trường hợp báo chí phản ánh trong đó có cán bộ, nguyên cán bộ, đảng viên xây dựng nhà trái phép ở khu vực TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Ông Tuấn quyết liệt phê bình cán bộ, nguyên cán bộ, lãnh đạo thiếu gương mẫu khi tham gia lấn chiếm, xây dựng trái phép ở TP Quy Nhơn.
Ông Tuấn cho biết báo chí đã phản ánh đúng sự việc. Tới đây, Bình Định tổ chức hội nghị lớn để tập trung bàn giải pháp, cách làm để giải quyết căn cơ câu chuyện lấn chiếm, xây dựng trái phép ở TP Quy Nhơn và nhiều địa phương trên địa bàn.
Tập trung tháo gỡ dự án "treo" gần 9 năm
Riêng đối với dự án khu đô thị du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa, ông Tuấn cho biết, hiện tỉnh này đã kết nối được với nhà đầu tư, đang tập trung tháo gỡ. Trước mắt, Bình Định sẽ giải quyết dứt điểm quá khứ của dự án và tính đến tương lai tại đây.
Người đứng đầu chính quyền Bình Định hứa hẹn, trong năm 2023 sẽ kêu gọi được nhà đầu tư thay thế và trong 3 năm tới sẽ đầu tư xong khu đô thị này.
“Trong tháng 4 này, phía Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh để chấm dứt hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Sau đó sẽ kêu gọi nhà đầu tư mới, đấu thầu quy hoạch 1/500 lại khu vực này”, ông Tuấn thông tin.
Nguyên Bí thư Huyện ủy giả chữ ký để "thâu tóm" 115 ha đất rừng phòng hộ
Liên quan đến vụ ông Nguyễn Đình Kim, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh giả chữ ký để "thâu tóm" 115 ha đất rừng phòng hộ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đang giao Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định tập trung điều tra, xử lý nghiêm vụ việc đúng người, đúng tội.
“Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo giám sát vụ việc. Quan điểm tỉnh sẽ không có chuyện bao che trong vụ này, xử lý đúng người đúng tội”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Nhiều nỗi lo cộng đồng quanh siêu dự án gang thép
Liên quan đến dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) có vốn đầu tư lên đến 63.000 tỷ đồng, trả lời hàng loạt câu hỏi về nguy cơ ô nhiễm, cuộc sống của người dân vùng dự án, về lòng tin với nhà đầu tư vốn là một doanh nghiệp lạ lẫm trong ngành thép, về sự xung đột giữa 2 "trụ cột" du lịch và công nghiệp,... ông Phạm Anh Tuấn khẳng định tỉnh đang tập trung thu hút các dự án lớn để tạo động lực dẫn dắt kinh tế phát triển. Trong đó, dự án gang thép Long Sơn được tỉnh này xác định là dự án động lực dẫn dắt.
“Dự án khi đưa vào hoạt động sẽ giúp tỉnh nâng cao nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc cho người dân và kéo theo dự án phụ trợ cùng phát triển”, ông Tuấn cho hay.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, dự kiến dự án di dời trên 560 hộ dân ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn). Hiện dự án mới có chủ trương, tỉnh chỉ mới chấp thuận cho nhà đầu tư khảo sát, thực hiện dự án sau đó mới trình lên các bộ, ngành Trung ương thẩm duyệt và trình Chính phủ quyết định.
Tuy nhiên, dự án muốn thông qua được tỉnh, ông Tuấn cho rằng cần đạt các yêu cầu về công nghệ phải hiện đại; đảm bảo không ô nhiễm môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử; người dân vùng dự án dời đi đảm bảo có chỗ ở, đời sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ và họ có sinh kế bền vững lâu dài...
Đối với dự án gang thép, ông Tuấn thừa nhận không dự án nào là không rủi ro, không dự án nào là hoàn hảo, thậm chí có thể không triển khai được khi không đảm bảo được yêu cầu của tỉnh và năng lực của nhà đầu tư.
“Rủi ro về môi trường vẫn sẽ có, tuy nhiên chúng ta kiểm soát nó như thế nào. Việc này các bộ ngành Trung ương, Chính phủ đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể”, ông Tuấn nói thêm.
Về thông tin trước kia dự án từng triển khai ở ven biển Phù Mỹ bị dân phản ánh sau đó dời ra biển Lộ Diêu, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, không có chuyện ngẫu hứng muốn dời nhà máy thép đi đầu thì dời; và cũng không có chuyện người dân phản đối nên dời đi.
Việc dời từ ven biển Phù Mỹ ra Lộ Diêu là do yêu cầu kỹ thuật, bến cảng… của nhà đầu tư. Việc lựa chọn biển Lộ Diêu là do nhà đầu tư tiếp tục khảo sát thấy phù hợp nên đề xuất chuyển dời.
Thu ngân sách gặp khó
Theo UBND tỉnh Bình Định, mặc dù thu ngân sách tỉnh năm 2022 đạt ngưỡng kỷ lục trên 16.500 tỷ đồng, song bước qua quý I năm 2023 thu ngân sách tỉnh giảm mạnh. Cụ thể, tổng thu ngân sách đạt 2.309 tỷ đồng, đạt 16,9% dự toán năm, giảm 42,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, thu nội địa chưa tính tiền sử dụng đất 1.815 tỷ đồng, đạt 25,7% dự toán năm, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thu từ tiền sử dụng đất giảm mạnh 73,3% so với cùng kỳ chỉ đạt 388 tỷ đồng, đạt 7,1% dự toán.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước với 4.020 tỷ đồng (đạt 21,5% dự toán). Chi thường xuyên 2.162 tỷ đồng, đạt 25% dự toán, giảm 0,6% so với cùng kỳ.
Tại họp báo, lãnh đạo tỉnh Bình Định thông tin về một số kế hoạch, chương trình tỉnh này đang thực hiện nhằm giúp tỉnh có nguồn thu ổn định, bền vững hơn. Trong đó, địa phương tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu hướng tới dây chuyền sản xuất, xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng tiêu biểu có giá trị lớn.
Bình luận