(VTC News) - Giữa lúc tình trạng căng thẳng trong khu vực liên quan đến các cuộc tranh chấp trên biển ngày càng tăng và Mỹ có những động thái nhằm khẳng định sức mạnh ở Thái Bình Dương, ngày 6/12, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi hải quân nước này chuẩn bị chiến đấu.
Bài viết do Nghiên cứu Biển Đông giới thiệu
Phát biểu trước Hội đồng Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh hải quân nước này phải "đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi và hiện đại hóa theo một đường lối vững chắc, tăng cường công tác chuẩn bị chiến đấu để có những đóng góp lớn hơn cho việc đảm bảo an ninh quốc gia."
Phát biểu của ông Hồ Cẩm Đào, được đăng tải trên trang web của chính phủ, được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các nước láng giềng của Bắc Kinh có những quan ngại sâu sắc về các tham vọng của hải quân Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã tỏ ra coi nhẹ những phát biểu của ông Hồ Cẩm Đào khi nói rằng Bắc Kinh có quyền phát triển quân sự, nhưng họ phải minh bạch hơn trong hoạt động này. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc, ông George Little, nói: "Họ (Trung Quốc) có quyền phát triển các tiềm năng quân sự, giống như Mỹ vẫn làm. Tuy nhiên, chúng tôi liên tục kêu gọi phía Trung Quốc phải minh bạch hơn và đó là một phần trong mối quan hệ mà chúng tôi đang tiếp tục xây dựng với quân đội Trung Quốc".
Một người phát ngôn khác của Lầu Năm Góc, Đô đốc John Kirby, nói: "Chắc chắn, chúng tôi sẽ không ngăn cản cơ hội cũng như quyền của bất kỳ quốc gia nào trong việc phát triển các lực lượng hải quân".
Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói: "Chúng tôi muốn thiết lập các mối quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn với Trung Quốc và chúng tôi cũng muốn họ phải minh bạch hơn. Điều đó sẽ giúp giải tỏa những nghi ngờ của chúng tôi về các ý đồ của Trung Quốc".
Phát biểu của ông Hồ Cẩm Đào được đưa ra sau chuyến thăm châu Á của một số quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có Tổng thống Barack Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton. Theo dự kiến, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michelle Flournoy sẽ có cuộc hội đàm quân sự với những người đồng cấp Trung Quốc ngày 7/12.
Tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cảnh báo "các thế lực bên ngoài" chớ nên can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, kể cả những tranh chấp ở Biển Đông. Cuối tháng 11 vừa qua, Trung Quốc thông báo nước này sẽ tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở Thái Bình Dương sau khi Tổng thống Mỹ Obama cho biết Mỹ sẽ triển khai tới 2.500 thủy quân lục chiến tới Darwin (Ôxtrâylia), cách Inđônêxia 820 km.
Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông được cho là một trong những lỵ́ do khiến Mỹ thông qua kế hoạch triển khai quân này. Hành động này được cho là nhằm đối phó với sức mạnh tăng lên của Trung Quốc về hải quân trong vùng. Báo "Bưu điện Giacácta" (Inđônêxia) dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Mỹ cũng đã đề nghị Inđônêxia giúp đỡ “nếu có gì xấu xảy ra tại Biển Đông”.
Đầu năm nay, Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc ngày càng đầu tư nhiều cho hải quân để có thể mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài Thái Bình Dương. Giới quan sát gần đây cũng chú ý tới việc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc chạy thử lần thứ hai hồi tuần trước.
Con tàu dài 300 mét, được tu bổ từ một tàu cũ của Liên Xô trước đây, lần đầu tiên ra mắt hồi tháng 8/2011, khiến một số quan sát viên lo ngại về tiềm lực hải quân của Trung Quốc. Trung Quốc chỉ xác nhận sự tồn tại của hàng không mẫu hạm vào năm nay và khẳng định con tàu không phải là mối đe dọa đối với các nước láng giềng. Tuy nhiên, Nhật Bản và Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc giải thích lý do nước này cần có hàng không mẫu hạm.
Nguồn Inquirer (7/12)
Viết Tuấn (gt)
>> Xem thêm bài viết trên Nghiên cứu Biển Đông
Bình luận