Tại buổi họp tổng kết tình hình kinh tế phát triển tháng 10 và 10 tháng năm 2017 sáng 30/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng việc thực hiện các dự án BT cần công khai minh bạch, đảm bảo các quy định của pháp luật nhưng cũng phải thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư.
Ông Phong thông tin sắp tới TP sẽ tổ chức hội thảo về đầu tư BT, BOT trên địa bàn với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Hội thảo nhằm tập trung đánh giá quy trình, đề xuất giải pháp quản lý các dự án này.
Để phục vụ việc rà soát, tìm hướng đi mới trong việc huy động vốn xã hội hiệu quả, ông Phong chỉ đạo các dự án BT đang thảo luận đàm phán đình lại, có quy trình mới làm tiếp. Dự án nào đã có chỉ đạo của Chính phủ rồi thì tiếp tục triển khai. Sở Kế hoạch Đầu tư làm việc với các doanh nghiệp để thông tin rõ ràng.
Tại buổi họp báo định kỳ trưa 30/10, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM, cho biết hiện TP đang có 18 dự án BT với vốn đầu tư hơn 59.200 tỷ đồng. Tổng cộng 130 nhà đầu tư chia sẻ mong muốn hợp tác với Nhà nước với số vốn hơn 350.000 tỷ đồng.
Trong 5 năm tới, TP cần 500.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng, phát triển xã hội nhưng ngân sách chỉ cho phép 171.000 tỷ đồng. Vì vậy, nhu cầu vốn từ xã hội hóa là rất lớn.
"Các địa phương không thể ngồi chờ ngân sách nên việc huy động vốn tư nhân để phát triển hạ tầng, kích cầu là cần thiết. Trong 61% vốn cần huy động từ người dân, TP phải có giải pháp để thu hút, tạo được niềm tin", ông Sử Ngọc Anh nói.
Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác nhằm thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Video: Trạm BOT dày đặc quốc lộ, thu phí cao khiến giới tài xế bức xúc
Bình luận