Chủ tịch TP.HCM: Nghị quyết mới khắc phục hạn chế của Nghị quyết 54 hiện hữu

Tin nhanh 24hThứ Năm, 18/05/2023 19:43:00 +07:00
(VTC News) -

"Nghị quyết mới sẽ khắc phục những hạn chế của Nghị quyết 54 hiện hữu, tạo những động lực lớn hơn, mạnh hơn cho TP.HCM phát triển", ông Phan Văn Mãi nói.

Chiều tối 18/5, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì buổi họp báo liên quan dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. 

Tại họp báo, ông Mãi thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về nguyên tắc đưa dự thảo Nghị quyết mới vào kỳ họp thứ 5 với điều kiện hoàn thiện hồ sơ, dự thảo nội dung. Để đảm bảo các trình tự, thủ tục, TP.HCM đang tiếp tục phối hợp với cơ quan ngày đêm soạn thảo, chuẩn bị.

Chủ tịch TP.HCM: Nghị quyết mới khắc phục hạn chế của Nghị quyết 54 hiện hữu - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch TP.HCM thông tin tại họp báo. (Ảnh: Thành Nhân)

Về tính cần thiết của nghị quyết mới đối với sự phát triển của TP.HCM, ông Mãi cho hay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, TP.HCM tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao. Với đặc thù của thành phố, khuôn khổ pháp luật hiện tại chưa bao quát được hết, đòi hỏi cần có khung pháp lý phù hợp để vừa tháo gỡ vướng mắc vừa tạo không gian mới cho TP phát triển.

"Nghị quyết mới sẽ khắc phục những hạn chế của Nghị quyết 54 hiện hữu, tạo những động lực lớn hơn, mạnh hơn cho TP.HCM phát triển", ông Mãi nói.

Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TP.HCM giành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm TP.HCM chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên thực tế TP.HCM không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.

Vì vậy, việc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội đề ra là cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đề xuất khoảng 43 nội dung cơ chế chính sách chia làm 4 nhóm: Nhóm những cơ chế đã có trong Nghị quyết 54 hiện hữu; nhóm cơ chế đã có trong các nghị quyết khác đã được ban hành; nhóm cơ chế đang có trong các Luật sửa đổi và nhóm các nội dung mới.

Ông Mãi khẳng định, dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ tháo gỡ rất lớn cho TP.HCM về thể chế, đặc biệt huy động các nguồn lực xã hội ngoài ngân sách, phân cấp phân quyền cho thành phố chủ động hơn. Trong đó có nhấn mạnh đến tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố Thủ Đức, chủ động để mô hình thành phố trong thành phố hoạt động tốt hơn. Những cơ chế vượt trội này sẽ được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua trong kỳ họp giữa năm, dự kiến khai mạc ngày 22/5.

Dự kiến TP.HCM sẽ trình kỳ họp HĐND vào tháng 7 này khoảng 28 nội dung, trong đó có 8 nội dung của nghị quyết mới như nâng trần trung hạn, sử dụng ngân sách để chi cho giảm nghèo, hỗ trợ lãi suất, kích cầu)…

“Thành phố cố gắng cụ thể hoá các nội dung của nghị quyết mới trong năm 2023 để tập trung thực hiện trong 4 năm tiếp theo với tình thần có được kết quả cao nhất”, ông Mãi khẳng định và cho biết, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu TP.HCM phải hết sức quan tâm, tập trung xây dựng năng lực thực thi khi Nghị quyết được thông qua.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn