• Zalo

Chủ tịch TP.HCM: Hy vọng cuối 2025 sẽ hoàn thành dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Tin nhanh 24hThứ Ba, 10/12/2024 16:37:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chủ tịch TP.HCM cho rằng, nếu có chủ trương tháo gỡ, nhà đầu tư có thể hoàn thành dự án trong 12 tháng, hy vọng đến cuối năm 2025, dự án sẽ được hoàn thành.

Chiều 10/12, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND TP.HCM tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt nêu vấn đề về sự chậm trễ kéo dài của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu thông tin về hướng giải quyết và thời điểm hoàn thành dự án.

Phản hồi, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng là vấn đề được nhắc đến nhiều lần trong các buổi tiếp xúc cử tri. Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh rằng TP.HCM đang nghiên cứu các chỉ đạo của Thủ tướng để khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong tháng 12/2024.

“Nếu có chủ trương tháo gỡ, nhà đầu tư có thể hoàn thành dự án trong 12 tháng. Chúng tôi hy vọng đến cuối năm 2025, dự án sẽ được hoàn thành”, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. (Ảnh: Việt Dũng)

 Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. (Ảnh: Việt Dũng)

Ông Phan Văn Mãi thẳng thắn thừa nhận rằng dự án đã trở thành điển hình về việc kéo dài, gây lãng phí và hiện đang được Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Theo ông, Thủ tướng đã yêu cầu TP.HCM phối hợp với các bộ, ngành để xử lý những vướng mắc trong tháng 12/2024, với mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2025.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ ba nhóm vấn đề chính. Do thời gian kéo dài, tổng mức đầu tư đã thay đổi, TP.HCM đề nghị được điều chỉnh dự án để có cơ sở ký lại phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư và thanh toán hợp đồng.

TP.HCM cũng đề xuất Thủ tướng có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước để tái cấp vốn và gia hạn thời gian tái cấp vốn, giúp BIDV tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, TP sẽ cơ cấu lại kế hoạch trả nợ.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho rằng, việc thanh toán được chia làm hai nguồn: từ quỹ đất và từ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong năm 2024, Thành phố đã bố trí 6.800 tỷ đồng cho dự án nhưng khó có thể giải ngân trong năm nay.

TP.HCM xác định ba vị trí quỹ đất để thanh toán dự án, gồm hai khu đất thực hiện theo Luật Đất đai và một khu đất công theo Nghị quyết 98. TP cũng đã xin ý kiến Thủ tướng về việc sử dụng quỹ đất này để thanh toán trước, phần còn lại sẽ thanh toán bằng tiền.

Hiện tại, dự án đã hoàn thành 90% khối lượng, trong đó hơn 3.000 tỷ đồng đã được kiểm toán. TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép thanh toán khối lượng đã kiểm toán để nhà đầu tư có kinh phí hoàn thành phần còn lại (khoảng 1.800 tỷ đồng), đồng thời trả nợ BIDV để giảm lãi suất.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.

 Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Quang Thắng nêu ý kiến rằng TP.HCM cần đẩy mạnh các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) nhằm phát triển hạ tầng và dịch vụ công.

Chủ tịch UBND TP.HCM đã có chỉ đạo như thế nào để hài hòa lợi ích giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy các dự án này trong năm tới?”, đại biểu Trần Quang Thắng đặt câu hỏi.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM đã trình HĐND danh mục 41 dự án PPP trong các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa. Tuy nhiên, đến nay, các dự án này mới hoàn thiện thủ tục giấy tờ. Ngành văn hóa thành phố đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, giới thiệu nhà đầu tư, nhưng hiện chưa có dự án nào đủ điều kiện triển khai trong năm 2025.

Để đẩy nhanh tiến độ, thành phố đã đề xuất thành lập tổ công tác về triển khai dự án PPP, nhằm rà soát quy trình và hướng dẫn nhà đầu tư thông qua một đầu mối liên hệ. Sắp tới, TP.HCM sẽ tổ chức họp với UBND các quận, huyện để giao trách nhiệm cho địa phương tiếp xúc, phối hợp với nhà đầu tư thực hiện các dự án có quy mô nhỏ trong lĩnh vực trường học và y tế.

Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo đặt câu hỏi về đề án phân cấp mà UBND TP.HCM đã trình HĐND thông qua với 18 nội dung. Bà Thảo đặt câu hỏi: “UBND TP.HCM sẽ có giải pháp gì để đảm bảo nguồn lực và điều kiện cần thiết, giúp các cơ quan được phân cấp thực hiện tốt nhiệm vụ?”

Ông Phan Văn Mãi khẳng định, việc phân cấp phải thực hiện theo quy trình chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định pháp luật. Đồng thời, UBND TP.HCM đã và sẽ tiếp tục rà soát các điều kiện cần thiết, bao gồm nguồn lực con người, tài chính và trang thiết bị, để đảm bảo các đơn vị được phân cấp không gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ tổ chức tập huấn và đầu tư đồng bộ trang thiết bị cho các cơ quan liên quan. Chủ tịch Phan Văn Mãi cam kết rằng thành phố sẽ rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo việc phân cấp diễn ra thuận lợi, tránh tạo ra những khoảng trống quản lý hoặc gây khó khăn cho cơ sở.

Bình luận
vtcnews.vn