Phát biểu đóng góp ý kiến Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, chiều 14/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực trạng vẫn còn nhiều luật từ thời kỳ trước nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần phân tích, đánh giá kỹ hơn. Các Ủy ban của Quốc hội rà soát văn bản, luật, nghị định, thông tư còn gì vướng mắc không để sửa đổi, bổ sung.
"Ví dụ, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng siết chặt một cách hợp lý, nhiều vướng mắc phát sinh và cho rằng do luật thì có đúng như vậy không? Có đúng là do luật Chứng khoán hay luật liên quan không? Vừa rồi để sơ hở như vậy, sửa nghị định có đáp ứng được yêu cầu không?", ông Huệ nêu vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ khác là Nghị định hướng dẫn về trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước trong quản lý nợ công đã tuân thủ nguyên tắc, quy định của luật Quản lý tài sản công hay chưa.
"Các Ủy ban phải tăng cường giám sát, rà lại xem có phải do luật không. Không phải do luật mà do văn bản hướng dẫn thì trách nhiệm thế nào? Có những thứ chưa kết luận được thì cần nêu ra để có yêu cầu, báo cáo trong tờ trình", ông Huệ nhấn mạnh.
Ông Huệ nêu rõ, trách nhiệm về việc giám sát thi hành hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội rất quan trọng, nếu cơ quan nào chưa thực sự quan tâm, chưa phân công bộ phận theo dõi thì phải bổ sung ngay.
"Đồng chí nào chưa quan tâm thì quan tâm ngay. Nếu quan tâm rồi thì quan tâm sâu hơn", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, nhất là Bộ Tư pháp trong năm qua đã quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan tiếp tục xác định việc triển khai Kết luận số 19 của Bộ Chính trị, Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần thường xuyên thực hiện, phấn đấu tập trung nguồn lực hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Các cơ quan cần coi trọng công tác thể chế hóa, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật.
"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, cũng như các văn bản ban hành theo thẩm quyền. Hoàn thành sớm văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng, phấn đấu khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết", Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm tổ chức tốt Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), bảo đảm ý nghĩa thiết thực, động viên lực lượng làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần thúc đẩy công tác này, đồng thời góp phần làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật trong toàn xã hội…
Bình luận