Chủ tịch Quốc hội: Nghiêm cấm cài cắm cơ chế xin - cho trong xây dựng pháp luật

Chính trịThứ Hai, 28/08/2023 09:39:00 +07:00
(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng pháp luật phải nghiêm cấm tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, cài cắm cơ chế "xin - cho".

Sáng 28/8, phát biểu khai mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại hội nghị lần này sẽ xem xét cho ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới.

8 dự án luật gồm: dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gợi mở một số vấn đề, ông Vương Đình Huệ lưu ý việc rà soát kỹ lưỡng lại về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế của Việt Nam.

"Cần rà soát lại toàn bộ các quy trình về các nội dung, cách thức, quy trình không được để cho những quy phạm pháp luật sơ hở có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực, gây ra thất thoát hoặc ách tắc.

Tránh tìm cách kéo thuận lợi về cho cơ quan quản lý nhà nước, còn cái không thuận, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt phải thực hiện ý kiến của Đảng là nghiêm cấm lợi ích nhóm, cài cắm cơ chế xin - cho trong quá trình xây dựng pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với những vấn đề lớn và những vấn đề quan trọng đối với từng dự án luật về kỹ thuật lập pháp, nguyên tắc áp dụng pháp luật, điều khoản chuyển tiếp; cho ý kiến đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau để có nghiên cứu, phân tích, tính toán lựa chọn phương án tốt nhất. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách và các đại biểu tham dự hội nghị tập trung rà soát và cho ý kiến về việc các dự án luật đã quán triệt thể chế hóa đầy đủ và đúng đắn các chủ trương của Đảng - cơ sở chính trị đối với từng lĩnh vực liên quan hay chưa?

"Xem xét việc thể hiện của các dự thảo Luật cho đến nay đã bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc yêu cầu khi xây dựng các dự án luật chưa? Đối những đề xuất mới đã có đánh giá tác động một cách đầy đủ chưa?", ông Vương Đình Huệ gợi mở vấn đề.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho ý kiến về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là các dự án luật mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lắng nghe để có hoàn thiện, các cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan soạn thảo, cơ quan tổ chức hữu quan để tiếp tục trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo tinh thần làm triệt để, để cho không có ý kiến nào của đại biểu Quốc hội không được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình. 

Để bảo đảm hội nghị được tiến hành hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, tham gia đầy đủ các phiên họp tranh thủ tối đa thời gian để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo.

"Tôi hy vọng với bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, các chuyên gia, các đại biểu sẽ tham gia ý kiến sâu sắc, tâm huyết về các vấn đề của dự thảo luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để tiếp tục hoàn thiện đảm bảo chất lượng cao nhất các dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Sau phần thảo luận, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra dự án Luật sẽ làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn