Ngày 10/9, tại phiên họp thứ 27 về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), sau khi cân nhắc kỹ các ưu điểm, nhược điểm của từng phương án liên quan đến quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57), UBTP và Cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn phương án xem xét, giải quyết tại tòa án. Đây là phương án có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các phương án khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đối với tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật chưa có quy định nào để xử lý.
Với tài sản này, không loại trừ có nguồn gốc bất hợp pháp. Chính vì thế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần có quy định để xử lý vấn đề này. Việc xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, phù hợp với xu thế chung, phù hợp với lòng dân.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người dân không quan tâm đến người đó bị phạt bị tù bao nhiêu năm mà chỉ muốn biết là vụ án tham nhũng đó đã thu hồi được chưa và thu hồi được bao nhiêu?
Đồng tình với phương án này, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, đây là phương án hay và cử tri sẽ rất hoan nghênh. Tuy nhiên, Tổng Thư ký cũng bày tỏ băn khoăn đó là tính khả thi của phương án này. Liệu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thực hiện được không bởi khi tổ chức thực hiện, xử lý vấn đề liên quan đến vấn đề này là rất khó.
Dẫn tình hình thực trạng trước các kỳ đại hội, các lần bầu cử thì đơn thư tố cáo tăng rất nhiều, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc lo ngại, với quy định này thì đơn thư sẽ tăng rất nhiều.
"Trong khi cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì kiêm nhiệm, vậy liệu có xử lý được không khi đơn thư dồn dập trước các kỳ đại hội?", ông Phúc băn khoăn.
Một lý do khác nữa mà Tổng Thư ký cho rằng phương án này sẽ khó là vì người Việt Nam, ranh giới giữa cái tình, cái lý còn khó. Bởi cấp dưới chuyển tòa án để xử lý cấp trên thì khó chứ không dễ dàng.
Từ những khó khăn này, Tổng Thư Ký đề xuất cơ quan này nên độc lập, chỉ kiểm soát tài sản đối tượng là Tổng cục trưởng trở lên, còn từ Tổng cục phó trở xuống thì giao cho các cơ quan thực hiện như hiện nay.
Ở khía cạnh khác, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần trở lại gốc của vấn đề là kiểm soát dòng tiền và tài sản. Khi có quy định về kê khai tài sản, thu nhập thì chúng ta căn cứ vào đó, nếu có vi phạm thì xử lý. Với tài sản, thu nhập không giải trình hợp lý về nguồn gốc, thì áp dụng biện pháp thu thuế.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Luật này là phòng và chống tham nhũng và trong Luật này, nội dung "phòng" cần làm nổi bật hơn.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, với tài sản, thu nhập không chứng minh nguồn gốc hợp lý thì chuyển sang cơ quan thuế. Yêu cầu nộp thuế 1 lần mức nộp là 35%, rồi phạt thêm 3 lần nữa là thêm 115% nữa, như vậy tổng là 145%, nhân với số ngày chậm nộp nữa, nhân với số tiền nộp chậm, nhân với 0,5% nữa.
Vi phạm thì cứ theo quy định của Luật Thuế mà xử lý. Nếu làm nghiêm như thế có khi thu vượt quá số tài sản mà “anh” không kê khai.
“Chúng ta cứ làm thế thì vừa chắc chắn, vừa nhẹ nhàng. Quy định sang tòa, sang viện thì phức tạp ra. Quan điểm của tôi là xử lý tài sản này theo phương án dùng Thuế thu nhập cá nhân, không phải sửa gì nữa”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với phương án giải quyết tại tòa án, đa số các thành viên đồng ý. Đây cũng là kinh nghiệm quốc tế có một số nước đã làm. Còn với phương án thu thuế thu nhập cá nhân, nếu thu thuế mà có tranh chấp thì cũng ra tòa.
Sau khi cân nhắc ưu điểm, nhược điểm từng phương án với những ưu điểm và khuyết điểm riêng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, UBTVQH sẽ báo cáo Bộ Chính trị hai phương án: phương án xem xét, quyết định tại tòa và phương án thu thuế thu nhập cá nhân.
Bình luận