Nội dung này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập tại buổi thăm, chúc Tết Co-opBank ngày 15/2.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về lĩnh vực này.
Về phía Quốc hội đã ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi), gần đây nhất là tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của năm 2024 là năm "tăng tốc" để "về đích" thực hiện các nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là thách thức rất lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vai trò của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia là hết sức quan trọng, đóng vai trò là huyết mạch của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành ngân hàng tăng cường hơn nữa năng lực phân tích dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, khu vực, nhất là diễn biến giá năng lượng để hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỷ giá.
Đồng thời, ngành ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm tối đa; tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn, quan trọng là không hạ chuẩn tín dụng nhưng vẫn đưa được vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Đối với Co-opBank, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao theo chủ trương, chính sách của Đảng về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm ủng hộ việc tăng vốn cho Co-opBank để nhà băng này hoàn thành tốt sứ mệnh chính trị của mình trong lĩnh vực tam nông, kinh tế tập thể...
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc tăng vốn cho Co-opBank xuất phát từ nhu cầu thực tiễn để thể chế hóa, cụ thể hóa hai nghị quyết quan trọng của Trung ương về tam nông và kinh tế tập thể.
"Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua đã có cơ sở pháp lý để thực hiện việc này. Vì sự nghiệp tam nông và kinh tế tập thể, tôi đề nghị ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất tăng vốn của Co-opBank để trình với Chính phủ, Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Co-opBank tiền thân là Quỹ tín dụng Nhân dân Trung ương, được thành lập từ năm 1993 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển mô hình tín dụng Hợp tác kiểu mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn.
Co-opBank trực tiếp phục vụ tam nông, đối tượng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình và nông dân. Do tính đặc thù nên không có nhiều người biết đến Co-opBank, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, ngân hàng vẫn có những bước phát triển rất tích cực.
Theo đó, sau 30 năm hình thành và phát triển, Co-opBank đã phát huy vai trò là ngân hàng đầu mối phục vụ gần 1.200 Quỹ tín dụng Nhân dân với tổng tài sản là 181.734 tỷ đồng, vốn điều lệ 6.995 tỷ đồng; hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố với hơn 1,7 triệu thành viên, chủ yếu là địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Bình luận