Mở đầu bài phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri chiều 11/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ đồng cảm với những hy sinh về tính mạng, tổn thất về tài chính, cơ sở vật chất của Hóc Môn, Củ Chi và toàn TP.HCM trong đợt dịch vừa qua.
Ông nhắc lại nhiều em bé mất cả cha lẫn mẹ, nhiều gia đình neo đơn, nhiều nhà máy đóng cửa, hàng vạn người dân đã dời thành phố về quê hướng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, miền Trung…
"Hình ảnh hàng nghìn người đi xe máy, trong đó có trẻ em, về quê rất đau xót. Trong đó có phần trách nhiệm của chúng ta", ông nói.
Cần chính sách giữ chân người lao động
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa làm rõ khái niệm "pháo đài chống dịch". Ông lý giải thông điệp này nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của địa bàn, cơ sở.
"Không phải pháo đài là biệt lập ra, quy định trái chủ trương của Trung ương để ngăn sông cấm chợ. Nếu không thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Nếu không kiểm soát tốt, mỗi nơi làm một kiểu sẽ gây khó cho người dân, doanh nghiệp gây ách tắc lưu thông, đứt gãy chuỗi cung ứng, khó hồi phục kinh tế nhanh", ông nói.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh việc giữ chân người lao động là nhiệm vụ quan trọng, tránh xáo trộn nguồn lao động và không hồi phục được nguồn sản xuất.
Ông dẫn chứng số lượng người nhập cư ở Hóc Môn rất lớn, trên 23%. Đây là nguồn lực để phát triển. Do đó, huyện ủy, HĐND, UBND, chính quyền các cấp cần động viên, giữ chân để bà con yên tâm có nhiều công việc và bắt tay vào sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch nước đề nghị chính quyền các cấp từ thành phố đến huyện, xã cần tiếp tục lắng nghe người dân, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo… để có quyết sách đúng đắn. Không chỉ cấp Trung ương và TP.HCM, cấp huyện như Hóc Môn cần có kế hoạch phục hồi nền kinh tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị có chính sách hỗ trợ ngành y tế, kể cả y tế tư nhân, để bảo vệ, chăm sóc người dân trong dịch cũng như khi hết dịch.
Chủ tịch nước lưu ý Hóc Môn là cửa ngõ ra - vào thành phố, có vị trí quan trọng và luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát dịch. Huyện cần thích ứng với COVID-19 nhưng vẫn đề cao cảnh giác. Ông cũng lưu ý Hóc Môn vấn đề an dân, nắm bắt sát đời sống nhân dân, không để người nào thiếu lương thực, thực phẩm, đói cơm đứt bữa.
“Phải sát dân hơn nữa, hỗ trợ kịp thời hơn nữa cho người dân, đặc biệt là gia đình có người già neo đơn, gia đình chính sách”, Chủ tịch nước lưu ý.
Cử tri ưu tư khi làm từ thiện, mong Chính phủ ban hành luật
Tại hội nghị, thượng tọa Thích Minh Thanh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Hóc Môn, nhận định trong dịch bệnh, chính quyền lo chống dịch nên có "bỏ ngỏ" một vài yếu tố, ví dụ các hội đoàn gần như tê liệt. Nhiều hội đoàn biết mình có trách nhiệm, muốn làm nhưng không hoạt động được.
Cử tri cũng nêu gần đây nổi lên vấn đề sao kê. Nhiều người rất lo ngại khi làm từ thiện bởi "không biết làm có sao không".
"Từ thiện gần như tự phát. Chúng tôi ưu tư rằng trong hoàn cảnh người dân khó khăn, mình có thể giúp đỡ nhưng không biết giúp thế nào, giúp ra sao. Trong vấn đề này, cử tri mong Chính phủ quan tâm để có luật", thượng tọa Thích Minh Thanh nói.
Cũng về chủ đề này, cử tri Nguyễn Văn Dũng điểm lại Chính phủ đã ban hành 4 nghị định về vận động quỹ từ thiện nhưng đến nay không có hướng dẫn cho người làm từ thiện.
Ông Dũng nhắc lại thời gian qua, trong đợt lũ lụt miền Trung, nhiều cá nhân đứng ra vận động để ủng hộ người khó khăn, có người gây quỹ được hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, người hoạt động quỹ từ thiện phải có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở, tài sản.
Hiện, Bộ Công an đã chỉ đạo để xác minh, làm rõ về thông tin tố cáo về một số cá nhân làm từ thiện thời gian qua. Từ thực tế này, ông đề nghị Quốc hội sớm ban hành luật về lập quỹ từ thiện, làm sao đúng mục đích để tránh các tổ chức, cá nhân lợi dụng.
Trợ cấp cho trẻ mồ côi còn thấp
Cử tri Trần Huỳnh Phương Uyên chia sẻ trong đại dịch vừa qua, nhiều trẻ em mồ côi cha mẹ. Đây là mất mát to lớn, không thể bù đắp. Dù Chính phủ có trợ cấp đột xuất hoặc lâu dài nhưng mức trợ cấp còn thấp, khó đảm bảo cuộc sống.
Bà mong đại biểu Quốc hội kiến nghị để ban hành chính sách hỗ trợ cuộc sống cho trẻ mồ côi và người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; cùng với đó, nên để một cơ quan chủ trì để tránh trùng lấp.
Bình luận