• Zalo

'Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào trong cuộc chiến chống tham nhũng?'

Thời sựThứ Ba, 29/03/2016 03:18:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội cho biết cử tri đặt câu hỏi Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào, được làm gì và đã làm được gì trong cuộc chiến chống tham nhũng.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho biết cử tri đặt câu hỏi Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào, được làm gì và đã làm được gì trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Phát biểu tại hội trường sáng 29/3, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng nhiệm kỳ qua Chủ tịch nước đã thực hiên tương đối tốt chức năng quyền hạn theo quy định của Hiến pháp.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn 

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn còn băn khoăn là nhiều mặt hoạt động của Chủ tịch nước chưa thể hiện rõ quyền hạn trong đối nội.


“Chẳng hạn như với tư cách thống lĩnh lực lượng vũ trang. Hay quan hệ phối hợp với Chính phủ trong giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh cũng chưa rõ”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói.

Đại biểu Lê Nam: ‘Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và trau chuốt’ 

Nguồn
: VTV


Về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng cho rằng Chủ tịch nước đã có nhiều cố gắng nhưng nguyên nhân khách quan do hiến định, muốn làm cũng khó.

“Khi đi tiếp xúc với cử tri, Chủ tịch nước bày tỏ thái độ căm ghét những kẻ tham nhũng, nhưng cử tri đặt câu hỏi Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào, được làm gì và đã làm được gì trong cuộc chiến chống tham nhũng?”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói.

Vì thế, ông Sơn kiến nghị nhiệm kỳ tới Chủ tịch nước cần trình Quốc hội ban hành luật chế định Chủ tịch nước để cụ thể hoá nhiệm vụ quyền hạn trong từng lĩnh vực.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa 

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận xét Chủ tịch nước, theo đánh giá của cử tri cả nước là người gương mẫu trong lối sống, trong công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc không mệt mỏi cho dân, cho nước.

Đặc biệt, Chủ tịch nước đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đổi mới hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống tư pháp của đất nước; luôn gắn bó với cử tri, nuôi dưỡng được tình cảm cách mạng với nhân dân, có thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

 

Khi đi tiếp xúc với cử tri, Chủ tịch nước bày tỏ thái độ căm ghét những kẻ tham nhũng, nhưng cử tri đặt câu hỏi Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào, được làm gì và đã làm được gì trong cuộc chiến chống tham nhũng?
ĐBQH Nguyễn Anh Sơn
 
“Theo Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước có quyền tham dự các cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu Chính phủ họp về các vấn đề mà Chủ tịch nước thấy cần thiết. Tuy nhiên, vừa qua việc này chưa thấy làm”, đại biểu Nghĩa nói.

Đại biểu Nghĩa đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch nước với vai trò nguyên thủ quốc gia phải đóng góp nhiều mặt hơn trong nhiệm vụ của Nhà nước, đặc biệt là quốc phòng, ngoại giao và có vai trò đặc biệt trong kiểm soát quyền lực.

Về hoạt động của Chính phủ, đại biểu này tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, xâm phạm quyền lợi của người dân lương thiện, làm suy yếu tiềm lực đất nước, tàn phá tài nguyên quốc gia, nhiệm kỳ qua chưa giảm được. Phạm pháp lan tràn và ngày càng táo tợn, công khai.

"Trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị nhưng Chính phủ có vai trò chủ công. Trong nhiệm kỳ vừa qua, cử tri cho rằng, giá mà Thủ tướng sớm kỷ luật vài vụ thì tình hình có thể cải thiện hơn. Không nên chờ đến khi đổ bể, họ phải ra tòa.

Cử tri đề nghị Chính phủ tới đây, cần phải cải cách cách thức điều hành. Thủ tướng phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế Bộ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh sai phạm, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ. Chấm dứt tình trạng trên bảo dưới làm lơ", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn