• Zalo

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM

Bóng đá Việt NamThứ Hai, 27/01/2020 14:00:08 +07:00Google News
(VTC News) -

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng cùng các cộng sự "hồi sinh" CLB TP.HCM bằng tư duy bóng đá chuyên nghiệp cùng những quyết định táo bạo, chính xác.

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 1

CLB TP.HCM không thể kết thúc mùa giải với ngôi vô địch. Dẫn đầu V-League suốt giai đoạn lượt đi và so kè từng điểm số với CLB Hà Nội, song thầy trò HLV Chung Hae Seong xuống sức ở giai đoạn cuối và chấp nhận ngôi Á quân.

Dẫu sao, vị trị thứ hai vẫn là niềm động viên lớn với đội bóng từng suýt xuống hạng ở mùa giải 2018. CLB TP.HCM "lột xác" ngoạn mục để trở thành ứng viên vô địch. Ở đó, đóng góp của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng là một trong những yếu tố quan trọng nhất. 

Chia sẻ với VTC News sau buổi lễ nhận danh hiệu Á quân, Chủ tịch Hữu Thắng cho rằng CLB TP.HCM thành công nhờ quá trình đầu tư, làm bóng đá bài bản, chuyên nghiệp, đồng thời khẳng định đội bóng sẽ tiếp tục đầu tư để duy trì vị thế trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 2

- Vượt qua giai đoạn buồn trong sự nghiệp, nhận lời cầm quân ở Hà Nội T&T khi đội bóng này đang xếp cuối bảng, dẫn dắt tuyển Việt Nam ở thời điểm đội sa sút hay nhậm chức chủ tịch CLB TP.HCM khi đội đang đá không tốt. Dường như càng khó khăn, Hữu Thắng càng hứng thú hơn? 

Tôi nghĩ cái tên nó vận vào con người. Bố mẹ đặt tên tôi là "Thắng". Tôi làm việc gì, cả khi thi đấu trên sân, cũng đều rất máu ăn thua. Mọi việc trên đời, với bạn bè hay người khác, tôi có thể sống chân thành, chan hoà, nhưng khi tham gia một môn chơi nào đó thì tôi chỉ thích thắng thôi. Thể hiện ở tính cách như thế, mỗi lúc khó khăn, tôi đều chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận khó khăn đó. Tôi vượt qua được, tôi sẽ có những thứ lớn lao hơn, sẽ trưởng thành hơn.

Khi còn dẫn dắt Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC), tôi còn rất trẻ. Tôi cũng dẫn dắt SLNA khi mới 31, 32 tuổi thôi, cũng rất trẻ. Cuộc đời con người có thể đan xen bởi thất bại hay thành công, nhưng quan trọng nhất là khi chấp nhận cuộc chơi, khó khăn mà vượt qua được, mình suy ngẫm lại sẽ cảm thấy ngọt ngào. 

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 3

- Mỗi khi gặp khó khăn, ông nghĩ đến ai đầu tiên, liệu ông có nghĩ đến chính mình của quá khứ với rất nhiều sóng gió nhưng vẫn bình tâm, bản lĩnh vượt qua để có ngày hôm nay?

Có những lúc cảm thấy mình rơi vào bước gần như đường cùng, tôi đã có thể có ý nghĩ chán nản, buông xuôi. Nhưng khi ấy, người tôi nghĩ đến đầu tiên để mình tìm kiếm sự động viên và bằng mọi cách phải vượt qua, chính là bố và mẹ mình. 

Bố mẹ sinh ra mình trên cuộc đời, ban cho mình cơ thể khoẻ mạnh, cho mình học hành, nên khi ra đời gặp khó khăn, tôi nghĩ đến bố mẹ nhiều hơn. Gia đình tôi rất khó khăn, có 5 anh em, bố mẹ là công nhân nhà máy in, lúc ấy vừa khó, vừa khổ. Nuôi được 5 người con ăn học đầy đủ ở thời điểm ấy, nhiều lúc bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không kìm được cảm xúc khi nhớ đến bố mẹ. Họ là động lực cho tôi những lúc khó khăn nhất. 

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 4

- Khi ông tiếp quản vị trí chủ tịch CLB TP.HCM, đội bóng đang thi đấu không tốt dưới thời HLV Toshiya Miura. CLB còn gặp khó khăn khi khán giả không mặn mà đến sân. Ông có thể chia sẻ lại thách thức của những ngày đầu tiên? 

Khó khăn lúc tôi tiếp nhận vị trí chủ tịch CLB là sự đồng nhất, đoàn kết trong đội bóng không tốt như bây giờ. Có thể nói, sự chia rẽ trong đội thì không có, nhưng người đầu tàu trong đội để tạo không khí, giúp toàn đội nhìn về một hướng là điều quan trọng, cần thiết nhất.

- Bây giờ nhìn lại, ông có nghĩ lựa chọn làm việc ở vị trí “đứng mũi chịu sào" tại CLB TP.HCM khi ấy dù chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý là quyết định mạo hiểm? 

Trong nghề nghiệp, mình phải chấp nhận bắt đầu công việc ở thời điểm khó khăn nhất, đó là điều thử thách mình. Nếu mọi thứ thuận lợi, dễ dàng, mình cũng không phải ở vị trí ấy vì người khác làm rồi. Khi tôi đến, CLB đang khó khăn, ở trong thời điểm nhạy cảm, đứng áp chót bảng xếp hạng. Đó là thử thách mà mình cần vượt qua.

Cũng may là khi mình nhận quyết định ấy thì lãnh đạo CLB hay lãnh đạo tập đoàn, ủng hộ, trao toàn quyền xử lý các công việc. 

- Ông mất bao lâu để chuẩn bị tinh thần, năng lượng cho công việc mới?

Tôi chính thức nhận việc đầu năm 2018. Trước Tết là 2017 thì họ đặt vấn đề rồi. Lúc ấy thì mình cũng nghĩ là cần quãng nghỉ sau khi giã từ đội tuyển, nhưng khi thấy đội bóng gặp khó khăn, cần người có tiếng nói để tập trung cầu thủ lại vượt qua thời điểm khó khăn. Họ đặt vấn đề như thế, mình chấp nhận. 

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 5

 Hữu Thắng ghi dấu ấn trên cương vị cầu thủ, HLV và hiện tại là chủ tịch.

- Khác biệt lớn nhất của Hữu Thắng-HLV với Hữu Thắng-Chủ tịch là gì?

Nói về công việc thì không khác nhau. Công việc của HLV phải bao quát, quản lý nội tình đội bóng. Làm chủ tịch CLB thì tầm bao quát rộng hơn, nhiều việc hơn, nhiều cái liên quan, nhiều vấn đề phải giải quyết hơn.

Giải quyết vấn đề khi làm chủ tịch khác với làm HLV. Khi làm HLV, tính tôi thẳng thắn, bộc trực, cầu thủ nhìn vào người ta tôn trọng mình, rồi mình tôn trọng lại họ, công việc sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, điều này cũng có điểm yếu là trong cách cư xử, nếu mình bộc trực, thẳng tính, nóng tính quá, mình dễ làm người khác tổn thương. 

Khi làm chủ tịch CLB, tôi phải xử lý mọi việc ôn hoà, mềm mỏng hơn. Khi làm HLV có thể thẳng tính, nói ngay, "bốp chát" được, còn làm chủ tịch thì phải mềm mỏng, cương quyết nhưng cũng phải tình cảm. Mình cũng xuất thân là cầu thủ, qua nhiều giai đoạn nên hiểu cuộc sống cầu thủ. Mình chia sẻ, thông cảm cho họ thì họ cũng sẽ tin tưởng mình. Việc làm chủ tịch CLB giúp tôi hoàn thiện hơn nữa ở đối nhân xử thế. 

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 6

- Ông từng tuyên bố nhiệm vụ “mang khán giả đến sân" quan trọng không kém việc phải có thành tích tốt. Đến thời điểm này, ông có nghĩ CLB TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ lấy lại niềm tin từ người hâm mộ Sài Thành? 

Thật sự, bóng đá không có khán giả thì rất buồn. Từ Chủ tịch, HLV hay cầu thủ đều cảm nhận được nỗi buồn đó. Tại sao các đội bóng có lực lượng CĐV đông đảo, hùng hậu, trong khi TP.HCM có đầy đủ mọi tiềm năng phát triển bóng đá, người dân hâm mộ không kém địa phương khác, mà CLB lại ra sân với số khán giả chỉ là 100, 200 người?

Tôi rất trăn trở và luôn nói rõ với cầu thủ, CLB là muốn khán giả yêu mến, mình phải cống hiến tốt, đá hay, đá trung thực, chơi cống hiến, tự dưng khán giả họ sẽ đến. Cầu thủ đầu tiên họ không nghe, nhưng sau họ nghĩ một CLB có các thành viên ở khắp mọi miền Tổ quốc góp lại, nhiều người có ý nghĩ đây không phải đội bóng của con em họ, của TP.HCM, mà là nhiều nơi khác góp lại. Đó là tư tưởng không chuyên nghiệp. 

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 7

Chuyên nghiệp phải nằm ở chỗ: đội bóng mang tên TP.HCM, nghiễm nhiên của UBND TP.HCM, của người dân TP.HCM. Cầu thủ xác định như thế, thì bằng nỗ lực của mình, họ phải chơi thật hay, có lối đá riêng, hướng tới, tiếp nối truyền thống của Cảng Sài Gòn năm xưa để kéo khán giả đến sân.

Cảng Sài Gòn trước đây đá với SLNA hay Thể Công là thường CĐV ngồi kín sân, tại sao CLB chúng ta không làm được điều đó?

Rất mừng là mùa này, CLB TP.HCM có những trận kín sân như trận gặp Hà Nội FC. Lãnh đạo Sở, ban ngành vui mừng, hơn 10, 15 năm mới có không khí như thế này. Trừ khi ĐTQG thi đấu, thì tầm CLB thi đấu phải rất lâu mới có không khí này. Đó là điều đáng mừng và quan trọng nhất mà cầu thủ làm được.

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 8

 TPHCM được đông đảo khán giả ủng hộ.

- Khán giả đến sân, ngoài việc hâm mộ đội bóng vì tính địa phương hay lối đá, họ còn đến để theo dõi các cầu thủ nổi tiếng. Theo ông, CLB TP.HCM có cần một hoặc nhiều cầu thủ nổi tiếng theo nghĩa "thần tượng" để thu hút nhiều hơn các CĐV?

Tất nhiên, tôi rất, rất muốn có những cầu thủ đẳng cấp. Đó là tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp. Đội bóng mạnh phải có ngôi sao đủ lớn. Thứ nhất, nói gì thì nói, nhờ sức hút mà ngôi sao đó đem lại, lượng CĐV đến sân sẽ tăng đột biến. Thứ hai, nhờ có cầu thủ ngôi sao đó, chất lượng của trận đấu sẽ được nâng cao.

Đơn cử như HAGL, dù thành tích họ không tốt, nhưng họ có các cầu thủ ngôi sao, chuyên môn tốt, có lực hút phải nói là nhất ở V-League. Mỗi CLB sẽ có cách làm, cách vận hành khác nhau. 

CLB TP.HCM muốn khán giả để sân nhiều hơn nữa, muốn đá hay, cống hiến nhiều hơn nữa, muốn phát triển nhiều hơn nữa, phải chiêu mộ 2 đến 3 cá nhân là ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Đó là điều tất yếu. Chúng ta có thể là tập thể mạnh, đó là điều cần thiết, nhưng những cầu thủ ngôi sao làm cho sức hút trận đấu lớn hơn. HLV cũng sẽ tự tin sử dụng đội hình cầu thủ chất lượng tốt. 

- Khi ông nhận lời trở thành Chủ tịch CLB TP.HCM, nhiều ý kiến nói rằng ông mạnh về chuyên môn hơn quản lý nên có lo ngại liệu ông có can thiệp vào chuyên môn của HLV như dùng ai, bỏ ai, đá như thế nào. Ông nghĩ sao về điều này, về vai trò và tầm nhìn về một chủ tịch lý tưởng trong quan niệm của mình?

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 9

Tôi là chủ tịch CLB, nhưng không phải người bỏ tiền ra nuôi đội bóng. Tôi chỉ làm thuần tuý vì chuyên môn ở phương diện quản lý thôi. Tôi rất may mắn là có phân định rạch ròi trong chuyện này.

Trước hết, tôi muốn nói về sự tôn trọng lẫn nhau. Mình có thể cũng là HLV, họ là HLV, nhưng khi họ đang đóng vai trò HLV trưởng CLB thì mình phải tôn trọng họ. Thành tích đội bóng tốt hay dở, HLV trưởng chịu trách nhiệm. Chẳng ai nói đội bóng đá tốt là do Chủ tịch. 

Khi mình tôn trọng họ, mọi ý kiến của mình chỉ là đóng góp thôi, quyết định cuối cùng phải là của HLV trưởng. Tôi từng nhận dẫn dắt ĐTQG, Hà Nội T&T, SLNA và tôi yêu cầu phải được quyết định chuyên môn, không được ai khác quyết định. Vậy tại sao tôi làm HLV thì làm vậy, đến khi làm chủ tịch lại đưa điều ấy ra?

Tất nhiên, mình cũng có thể có quan điểm, triết lý bóng đá khác nhau, nhưng họ quyết định hết. Tôi từng có những buổi trao đổi thẳng thắn với HLV Toshiya Miura. Cuộc trao đổi giữa hai nhà chuyên môn. Chúng ta đừng đặt vào đây là HLV trưởng CLB hay Chủ tịch. Chúng tôi chỉ trao đổi chuyên môn thôi.

Tôi học hỏi từ anh và có thể tôi có lợi thế gì, anh vận dụng. Nhưng quyết định phải là của HLV. Tôi không bao giờ sắp ai đá, kể cả khi biết sắp vị trí đó, ngày đó, người đó, trận đấu đó đá không tốt, mình chỉ nói thôi, HLV vẫn sắp, tôi tôn trọng. Chẳng ai muốn làm chuyên môn khi có người điều khiển, giật dây mình. Đó là tôn chỉ bắt buộc.

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 10

- Thời điểm bầu Đức nói “CLB TP.HCM không thể vô địch V-League vì tình trạng 5 đánh 1”, ông nghĩ thế nào? Tinh thần, nội bộ đội bóng có bị ảnh hưởng không?

Tôi có trao đổi với HLV trưởng. Tôi với HLV gặp nhau ở điểm chung lớn là xác định việc của ai, mình không cần biết. Mình phải biết mình phải nỗ lực, cố gắng cao nhất.

Khi bầu Đức tuyên bố như thế, CLB TP.HCM đang dẫn đầu hết lượt đi, sang cả mấy trận đầu lượt về. Nếu cầu thủ nghĩ điều đó nhiều có, tôi nói cầu thủ, tự họ sẽ có ý nghĩ tiêu cực. Mình phải làm hết trách nhiệm của mình đã, đến khi không được thì vẫn vui vẻ vì mình đã cố gắng cao nhất rồi.

Có một điều là bầu Đức nói thế, đến cuối giải nó lại đúng như thế. Trong vấn đề này, thứ nhất là VFF, thứ hai là VPF, họ phải có những động thái đưa bóng đá càng ngày càng minh bạch hơn, đó là bóng đá chuyên nghiệp. Minh bạch ở thi đấu, minh bạch ở công tác trọng tài, giải tất nhiên càng ngày càng tốt so với mấy năm trước.

Có những thay đổi trên cơ cấu lãnh đạo VPF, họ đưa luồng gió mới đến, nhưng chúng ta muốn phát triển bóng đá chuyên nghiệp, vững bền, lâu dài thì chúng ta phải chuyên nghiệp. Đó là điều mà bất kỳ nước nào muốn phát triển bóng đá cũng phải theo.

ĐTQG có thành tích tốt, nhưng để có thế hệ đó, chúng ta phải cảm ơn bầu Đức cùng HAGL đã tạo ra thế hệ cầu thủ tốt, hay những người bỏ ra nhiều tiền, công sức lớn để tạo ra lứa cầu thủ tư cách đạo đức tốt, giao tiếp xã hội chuẩn mực, trong sân thi đấu chuẩn mực, đó là cái ta cần hướng tới, nhân rộng hơn.

Tất nhiên một đội bóng đại diện cho quốc gia cần nhiều cầu thủ nổi trội các tỉnh khác để thành đội mạnh, nhưng để theo bóng đá chuyên nghiệp thì cần có nhiều người như bầu Đức. 

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 11

- Ngoại trừ Hà Nội FC, rất ít đội bóng từng đoạt ngôi cao mà lại giữ được sự ổn định ở mùa kế tiếp. Hai đội bóng cuối cùng đua trụ hạng mùa này là Thanh Hoá và Khánh Hoà từng giữ ngôi nhì và ngôi ba mùa trước. Ông có lo ngại nguy cơ tương tự cho CLB TP.HCM?

Tôi nghĩ đó là vấn đề đúng. Nếu năm sau CLB vẫn giữ những con người này, không có bổ sung lực lượng tốt, không chuẩn bị tốt về chiều sâu đội hình, có những cầu thủ chất lượng, trình độ người đá chính và dự bị không xa nhau, không đầu tư kịp thời, thì chúng ta sẽ về đúng nơi bắt đầu. CLB TP.HCM sẽ giống Thanh Hoá, Khánh Hoà, trượt về cuối bảng xếp hạng.

Bóng đá phải làm mới, thay đổi, bổ sung những nhân tố mới. Như CLB Hà Nội có 7, 8 tuyển thủ QG luôn ổn định, không cần thay đổi nhiều. Nhưng các đội khác nếu không có sự bổ sung, thay đổi, chuẩn bị kỹ càng, như CLB TP.HCM, thì sẽ giống Thanh Hoá, Khánh Hoà, đó là điều chắc chắn. 

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 12

 CLB TP.HCM lần đầu đoạt ngôi á quân V-League. 

- Để có điều đó, CLB càng phải đề cao vai trò của HLV Chung Hae Seong - người không thành công ở HAGL nhưng lại rất "mát tay" khi làm việc tại CLB TP.HCM, khi ông "lột xác" tập thể suýt xuống hạng mùa trước trở thành đội bóng ổn định?

Phải nói là bầu Đức rất hiểu ông Chung Hae Seong, hay cả HLV Park Hang Seo. HLV Chung Hae Seong rất uy tín trong bóng đá, từng làm K-League và có thành tích nhất định, xuất thân cũng là cầu thủ. Bầu Đức đưa ông Chung về, nhưng HAGL có thể vận hành và chọn người đầu mùa giải không kỹ, khiến HLV Chung Hae Seong gặp khó khăn.

Khi thanh lý hợp đồng với HLV Miura, BLĐ và tôi đặt niềm tin vào ông Chung. Nhìn CV của ông ấy, qua tìm hiểu thì chúng tôi đặt niềm tin. Đó là quyết định đúng của lãnh đạo tập đoàn Bình Minh khi đưa HLV này về.

Trong thời gian tương đối ngắn, HLV Chung Hae Seong giúp cầu thủ trở thành một khối. CLB giành thành tích này, tính quyết định nhất là việc tất cả thành viên thành một khối thống nhất.

Chúng tôi chưa có ngôi sao nổi tiếng, chưa có cầu thủ đủ sức hút khán giả đến sân vì riêng anh ta, nhưng ông Chung là người làm được việc 2 HLV trước không làm được là kết dính mọi thành viên trong đội, thi đấu bằng tinh thần, niềm tin các thành viên dựa vào nhau để có thành tích này. Nếu đội bóng có 1, 2 ngôi sao mà HLV không kết dính được tất cả thì CLB không có vị trí này.

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 13

 HLV Chung Hae Seong được cầu thủ tôn trọng, ủng hộ. 

- HLV Chung Hae Seong liên tục nhắc về tính chuyên nghiệp trong sinh hoạt, tập luyện của cầu thủ. Đây cũng là tiêu chí ông cùng BLĐ, BHL hướng tới cho cả tập thể CLB TP.HCM hiện tại và tương lai?

Chúng tôi phải quản lý theo chuyên nghiệp. Khi tôi làm HLV SLNA hồi 2003, 2004 hay khi dẫn Hà Nội T&T rồi quay về SLNA, tôi thấy chúng ta vẫn quản lý kiểu bán chuyên, quản lý cầu thủ ăn kiểu ở tập trung. Ở CLB TP.HCM, ngoại trừ các cầu thủ ở xa, chưa có gia đình, phải ở trong bản doanh CLB, còn những cầu thủ có gia đình ở đây, họ có thể tập luyện, ăn uống ở CLB, tối về với gia đình, vợ con, sáng lại đi tập bình thường.

Trước khi thi đấu, nếu cầu thủ muốn thì ở cùng nhau tập trung trước 1, 2 ngày thôi, chứ không quản lý kiểu điểm danh, rất nghiệp dư. HLV Chung Hae Seong làm được điều đó nên cầu thủ thoải mái. Nếu cầu thủ về mất phong độ thì họ phải ngồi ngoài xem đồng đội đá thôi.

- Mục tiêu của CLB mùa tới là gì, đặt trong giả thiết đội có thể được dự cúp châu Á?

Ông Chung Hae Seong cũng trình bày với BLĐ, khi có cơ hội tiến xa hơn, có thành tích tốt hơn thì mình phải làm. Muốn vậy, CLB phải đầu tư từ bây giờ, có thành tích tốt thì khán giả mới đến sân.

Nếu có cơ hội đá AFC Champions League thì phải nắm lấy để được cọ xát. Đã rất lâu bóng đá TP.HCM không có đại diện nào đá cúp châu Á. Nếu không tận dụng thì không thể lớn mạnh được.

Đơn cử như CLB Hà Nội rất mạnh, từ con người, có nhiều cá nhân chuyên môn tốt. Họ ra đá AFC Cup vừa rồi, được va chạm nhiều, hạ nhiều đối thủ mạnh và tiến rất sâu - điều chưa đội nào làm được. Chúng ta phải tự hào khi có CLB Hà Nội vượt qua vòng bảng và vào sâu nhất có thể. Cầu thủ sẽ lớn lên và bản lĩnh hơn ở giải đấu đó.

Nếu có cơ hội, CLB TP.HCM phải đầu tư lực lượng để tiến ra đấu trường khu vực. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Chủ tịch Hữu Thắng: Người đàn ông 'thép' và cuộc hồi sinh biểu tượng bóng đá TP.HCM - 14
Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn