• Zalo

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng quyết tâm xử tử hình một đại tá tham nhũng

Thời sựThứ Hai, 06/05/2019 07:48:00 +07:00Google News

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên ký lệnh tử hình một phần tử tham nhũng được xét xử đó là Đại tá quân nhu Trần Dụ Châu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với tệ nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Người thường xuyên giáo dục toàn Đảng, toàn dân đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn này.

Trả lời PV VOV về những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống tham nhũng, cùng việc vận dụng tư tưởng của Người trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, GS.TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên ký lệnh tử hình một phần tử tham nhũng được xét xử đó là Đại tá quân nhu Trần Dụ Châu.

55532_dxur_vmzd_zmds

TSKH Phan Xuân Sơn - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

- Thưa ông, phải chăng kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng?

Sau khi nước ta giành được chính quyền năm 1945 và xây dựng Nhà nước kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người giữ trọng trách rất lớn là Chủ tịch Đảng- Chủ tịch nước, là người đầu tiên trong chính quyền mới phải đương đầu với tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu mà ngày nay chúng ta gọi với nội hàm tham nhũng. Quan niệm, nhận thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên ký lệnh tử hình một phần tử tham nhũng được xét xử đầu tiên trong lịch sử Nhà nước mới đó là Đại tá quân nhu Trần Dụ Châu.

Người coi nguồn gốc của tham nhũng là bộ máy quan liêu, lòng tham của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (chủ nghĩa cá nhân), cho nên Người luôn nói tổ chức bộ máy phải gọn gàng, cán bộ phải có phẩm chất tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Ngay từ năm 1946, Bác đã nhìn thấy tham nhũng là “giặc nội xâm” - giặc ở trong lòng, giặc này không có súng, có gươm nhưng lại có thể phá hỏng tất cả sự nghiệp của ta. Người nói: nếu chúng ta chưa tiêu diệt được tham ô, lãng phí, bất liêm thì sự nghiệp cách mạng chưa hoàn thành.

Người quan niệm phòng, chống tham nhũng cả khu vực công và khu vực tư, kể cả người buôn bán, làm ruộng, cán bộ công chức, viên chức, doanh nghiệp, điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay.

Cuối cùng, Người nói chống tham nhũng phải dựa vào dân, làm cho dân khôn lên, làm cho dân giám sát được hành vi của cán bộ và phải thẳng tay trừng trị những kẻ tham nhũng, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Tất cả những tư tưởng của Người về phòng, chống tham nhũng hiện nay chúng ta đều đang vận dụng và còn nguyên ý nghĩa thời sự.

- Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa qua, vai trò của quần chúng nhân dân đã được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Vai trò của người dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định. Mặc dù chúng ta có công cụ nhưng không phát huy được sức mạnh người dân thì kết quả sẽ rất hạn chế. Bởi vì không có bộ máy nào đủ tai mắt khắp nơi ở các cấp, các ngành, các địa phương như tai mắt của nhân dân.

Muốn phát huy được vai trò đấu tranh phòng, chống tham nhũng của người dân, theo tôi cần xét tới 4 khía cạnh: thứ nhất là làm cho nhân dân hiểu được quyền, khả năng của mình, phát huy tính trung thực, truyền thống đói cho sạch rách cho thơm, đoàn kết, thanh khiết.

Thứ 2, để nhân dân chống tham nhũng hiệu quả thì phải tạo ra cơ chế để họ có khả năng tiếp cận các nguồn thông tin. Việc này liên quan đến trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức và nhân dân phải được tiếp cận những quyền đó, vấn đề đó.

 
Ngay từ năm 1946, Bác đã nhìn thấy tham nhũng là “giặc nội xâm” - giặc ở trong lòng, giặc này không có súng, có gươm nhưng lại có thể phá hỏng tất cả sự nghiệp của ta.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn

Những năm về trước, có thể nói hơn 90% việc phát hiện tham nhũng là do người dân và các cơ quan báo chí, nhưng chủ yếu là tham nhũng nhỏ, còn những vụ tham nhũng lớn như trong nhiệm kỳ XII phát hiện thì nhân dân rất khó tiếp cận.

Ví dụ như Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát có liên quan đến vụ đánh bạc trên mạng mới phát hiện vừa qua thì nhân dân làm sao biết được. Chính vì vậy, cần phải có cơ chế để nhân dân tiếp cận thông tin, có khả năng nắm bắt thông tin để tố cáo tham nhũng.

Thứ 3, cần phải tôn vinh những người có công lao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có hình thức, chế độ chính sách tôn vinh tương xứng như chống “giặc ngoại xâm”.

Thứ 4, phải bảo vệ người đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc này ở các nước có tính minh bạch cao đã làm rất tốt, ví dụ như Hàn Quốc có cơ quan bảo vệ người đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thậm chí có bảo hiểm thất nghiệp nếu họ bị đuổi khỏi cơ quan.

Chúng ta phải bảo vệ thân thể, danh dự, thậm chí có bảo hiểm nghề nghiệp cho những người đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Những việc này hiện nay chúng ta có làm, nhưng làm chưa tới mức như mong muốn để phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm chỉ đạo của Đảng đã được thể hiện, cụ thể hóa thành những điểm mới trong Luật phòng chống tham nhũng. Theo ông, còn điều gì băn khoăn về chính sách pháp luật trong phòng, chống tham nhũng hiện nay?

Sự quan tâm của nhân dân về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay rất cao, do đó cần làm thế nào để có sức lan tỏa, tạo thành áp lực đối với các cơ quan chức năng cần phải làm ráo riết hơn nữa, làm sắc bén, bài bản hơn nữa để đẩy nhanh hiệu quả của Luật phòng, chống tham nhũng.

Trong 2 năm gần đây, chúng ta đã phát hiện những vụ án tham nhũng lớn và trừng phạt đích đáng, thẳng tay, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đánh từ trên đánh xuống, từ trong đánh ra, đó là một thành tựu rất đáng ghi nhận.

Trong 3 kinh nghiệm đấu tranh phòng chống tham nhũng: không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng, hiện nay chúng ta làm khá mạnh yếu tố thứ 2 là không dám tham nhũng.

Còn yếu tố “không thể tham nhũng”, cơ chế tổ chức vận hành bộ máy phải chặt chẽ, để không ai lợi dụng được Luật này, luật kia, hay mối quan hệ tiêu cực khác. Mặc dù chúng ta đã làm tổng thể cải cách hành chính nhưng đến nay vẫn còn những hạn chế, bỏ thủ tục chung thì “đẻ” ra thủ tục con, cho nên cơ hội cho tham nhũng vẫn còn khá nhiều.

Yếu tố “không cần tham nhũng” có 2 việc đó là làm thế nào để cán bộ công chức sống đàng hoàng với đồng lương của mình mà không cần kiếm chác, tiêu cực gì cả; đồng thời phải giáo dục đạo đức, tư cách. Hiện nay 2 yếu tố này triển khai còn ít. Sắp tới, cả về Luật cũng như các biện pháp cần phải cân bằng 3 yếu tố này để tạo nên hiệu ứng tổng thể trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

- Theo ông, trong thời gian tới, chúng ta cần có giải pháp nào để tiếp tục gia tăng giá trị tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để các chủ trương của Đảng được vận dụng một cách sáng tạo, để pháp luật của Nhà nước được thượng tôn?

Hiện nay chúng ta có đầy đủ các điều kiện, yếu tố cần thiết để đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng và có thể thu được hiệu quả cao. Vì chúng ta có công cụ, người dân đồng tình, Đảng quyết tâm chính trị cao, cán bộ công chức đa số ủng hộ công cuộc phòng, chống tham nhũng. Vấn đề còn lại là sử dụng cho hiệu quả các công cụ này, đồng thời phát huy vai trò của người dân.

Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 đã bổ sung, điều chỉnh hành vi tham nhũng trong khu vực tư, còn hành vi tham nhũng ở nước ngoài vẫn chưa có, công chức, doanh nghiệp hay người Việt Nam ra nước ngoài tham nhũng thì thế nào, có phải điều chính không?... Cho nên cần sớm hoàn thiện Luật này và đây là công cụ sắc bén nhất để phòng, chống tham nhũng.

- Xin cảm ơn ông.

Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn