Đến nay, Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất không phải thực hiện giãn cách xã hội và là một trong những địa phương tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước. Thành phố luôn phản ứng nhanh, chủ động đi trước một bước trong phòng chống dịch gắn với đẩy mạnh cải cách, xúc tiến đầu tư tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất.
Báo điện tử VTC News có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND Thành phố xung quanh nội dung trên và kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế của TP Hải Phòng trong thời gian tới.
- Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số tỉnh, thành vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, người về TP Hải Phòng từ các địa phương này sẽ phải cách ly y tế tập trung 14 ngày. Vậy TP Hải Phòng sẽ áp dụng biện pháp phòng dịch này đến khi nào và việc áp dụng này có gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp hay không, thưa ông?
Hải Phòng hội đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt và là đầu mối giao thông đường biển lớn nhất phía Bắc. Thành phố có hàng chục khu, cụm công nghiệp, với hơn 147 nghìn lao động từ các tỉnh, thành khác đến làm việc. Do đó, Hải Phòng là địa phương có nguy cơ cao để dịch bệnh COVID-19 xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, thành phố đã áp dụng những biện pháp phù hợp, linh hoạt trong việc ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Một trong những biện pháp đó là phân vùng các tỉnh, thành phố trên cả nước với các mức độ nguy cơ khác nhau để thực hiện các biện pháp cách ly y tế phù hợp với người đi/đến/về từ các địa phương vào thành phố.
Đến thời điểm này, diễn biến dịch bệnh vẫn đang hết sức phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Miền Bắc có Hà Nam, Hà Nội; miền Trung có Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,… và nhiều tỉnh miền Nam.
Trong khi đó, tỷ lệ người dân Hải Phòng được tiêm vaccine phòng COVID-19 (tính đến 7/10 mới đạt hơn 55% người trên 18 tuổi được tiêm một mũi vaccine; hơn 19% người được tiêm đủ 2 mũi vaccine ). Nếu có trường hợp nhiễm bệnh trong thành phố mà không được kiểm soát kịp thời sẽ có nguy cơ rất cao làm bùng phát dịch bệnh.
Vì vậy, thành phố đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ, cách ly y tế tập trung 14 ngày đối với người về từ các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội. Thành phố sẽ điều chỉnh áp dụng biện pháp này khi các địa phương khác trên cả nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh hoặc tỷ lệ người dân trên Hải Phòng được tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng theo quy định của ngành Y tế.
- Đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (qua 14 ngày), liệu TP Hải Phòng có xem xét cho những trường hợp này lưu thông bình thường (trừ khu vực đang thuộc diện phong tỏa)?
Như đã nói ở trên, hiện tỷ lệ người dân trên 18 tuổi của TP Hải Phòng được tiêm vaccine phòng COVID-19 còn khá thấp. Trong khi đó, những người đã được tiêm vaccine (kể cả đã tiêm đủ 2 mũi) vẫn có thể nhiễm bệnh và có nguy cơ lây bệnh cho người khác. Nếu để lọt những trường hợp nhiễm bệnh và có khả năng lây vào thành phố thì rất dễ làm lây lan dịch trên địa bàn Hải Phòng.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, khi chưa đảm bảo được miễn dịch cộng đồng cho người dân Hải Phòng bằng vaccine , thành phố vẫn thực hiện biện pháp cách ly y tế phù hợp (cách ly tập trung, cách ly tại nhà/nơi lưu trú/khách sạn) đối với người vào Hải Phòng từ các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ (trừ trường hợp vào công tác được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố cho phép).
- Hải Phòng vừa ưu tiên phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, vậy trong thời gian sắp tới, phương án chống dịch tại thành phố có thay đổi gì để phù hợp với điều kiện mới?
Thành phố giao ngành Y tế luôn bám sát diễn biến dịch bệnh tại các địa phương trên cả nước, đặc biệt các địa phương giáp ranh với thành phố, có đường giao thông trực tiếp... để chủ động tham mưu, đề xuất với UBND Thành phố triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch từ xa, kịp thời.
Mặt khác, thành phố yêu cầu Sở Y tế chủ động xây dựng kịch bản các tình huống dịch bệnh, tổ chức tập huấn, diễn tập ứng phó với các tình huống dịch xảy ra tại cộng đồng, tại bệnh viện, tại khu CN,… Các cơ sở y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ tại cộng đồng, tại cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm; nâng cao năng lực của cán bộ y tế trong ngành, năng lực xét nghiệm để nhanh chóng có được kết quả, phục vụ công tác phòng chống dịch của thành phố.
- Khi thành phố “mở cửa” đồng nghĩa với khôi phục, tái thiết kinh tế, vậy TP Hải Phòng đã có kế hoạch, lộ trình triển khai và đâu là giải pháp trọng tâm trong hồi phục kinh tế?
TP Hải Phòng xác định, kiểm soát tốt dịch bệnh là nền tảng để khôi phục, phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng
Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố bước đầu đã được kiểm soát, đến nay đã gần 50 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới COVID-19 tại cộng đồng. Nhờ đó, kinh tế thành phố tiếp tục ổn định và có sự tăng trưởng.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2021 tăng 12,28% so với cùng kỳ, là mức cao nhất cả nước.
Để ổn định đời sống Nhân dân và các hoạt động kinh tế, xã hội của Thành phố trong trạng thái bình thường mới, từ 1/10/2021, Thành phố đã thực hiện điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và mở lại một số hoạt động kinh tế, xã hội.
Theo đó, thành phố cho phép các địa phương mở các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh nhưng chỉ đón và phục vụ khách nội tỉnh; cho phép các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các hoạt động thể dục, thể thao, vận tải hành khách… được hoạt động. Vẫn tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, internet, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim.
Nhằm khôi phục, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thành phố sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Quyết liệt triển khai chiến lược tiêm phòng vaccine COVID-19, phấn đấu tỷ lệ dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố đến hết quý I/2022 đạt trên 70%.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, đây là vốn có tính chất hỗ trợ, thúc đẩy huy động nguồn lực khác cho các lĩnh vực phục hồi và phát triển. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở các dự án lớn, trọng điểm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.
Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để kích thích sản xuất cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh.
Hải Phòng và Quảng Ninh hiện là 2 địa phương thuộc “vùng xanh” với địa bàn an toàn, tỷ lệ tiêm vaccine cao. Đây là những điều kiện quan trọng để 2 địa phương sẽ phối hợp mở lại hoạt động du lịch, trao đổi du khách, tạo bước phát triển mang tính đột phá trong trạng thái bình thường mới.
Hai địa phương sẽ phối hợp xây dựng các phương án để thu hút du lịch qua các chương trình xúc tiến tại khu vực miền Bắc; thống nhất được mức thu phí chung cho du khách khi tới tham quan tại Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà sau khi Quần đảo được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận