Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Mỹ cho rằng, đã đến lúc Chính phủ Mỹ phải có “những thái độ thẳng thắn hơn” và những “hành động mạnh tay hơn” với Trung Quốc.
“Nỗ lực tạo dựng hiện trạng mới ở Biển Đông của Trung Quốc là điều không thể chấp nhận”. Đây là lập trường chung mà các nhà lãnh đạo khu vực và thế giới, cũng như giới học giả và báo chí quốc tế nhiều lần khẳng định thời gian qua, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và liên tiếp có những hành động gây căng thẳng tại khu vực.
Tàu Trung Quốc mở hết tốc lực truy cản tàu Cảnh sát biển của Việt Nam |
Hội nghị hàng năm lần thứ 4 về Biển Đông của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Mỹ ngày 10/7 nhấn mạnh, Trung Quốc đã trở thành một mối nguy cơ đối với ổn định tại Đông Nam Á, đồng thời thúc giục nước này chấm dứt những hành vi khiêu khích trên biển.
Tại cuộc họp, ông Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Mỹ đã tố cáo Trung Quốc có những hành động “tham lam và hung hăng trắng trợn” đối với các nước láng giềng, hòng chiếm hết lãnh thổ và tài nguyên trên Biển Đông. Ông này cũng cho rằng, đã đến lúc Chính phủ Mỹ phải có “những thái độ thẳng thắn hơn” và những “hành động mạnh tay hơn” với Trung Quốc.
Ông Rogers cũng kêu gọi tăng cường việc chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác quân sự với các quốc gia khác trong khu vực nhằm đối phó với chiến lược bành trướng của Trung Quốc và để cho thấy nước này không phải là cường quốc duy nhất.
Về phần mình, ông Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á- Thái Bình Dường tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho rằng, quốc tế cần buộc Trung Quốc phải trả giá về những hành động phi lý của mình.
Ông Cronin nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải hiểu rằng, những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hay việc sử dụng sức mạnh trong các tranh chấp là không thể chấp nhận. Theo ông, tăng cường hợp tác khu vực giữa các đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Malaysia và các nước khác là rất quan trọng.
Thời gian qua, nhiều nước trên thế giới, cũng như giới học giả và báo chí quốc tế đã gia tăng những chỉ trích đối với các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thúc giục nước này làm rõ những tuyên bố chủ quyền phi lý theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, cũng như giống như cách hành xử lâu nay, Trung Quốc vẫn cho rằng họ có quyền lịch sử đối với gần hết Biển Đông, khẳng định nước này sẽ không thay đổi lập trường.
Trang mạng Công luận quốc tế (Opinion internationale) của Pháp mới đây đã đăng bài viết mang tên “Giông bão trên biển Đông”, chỉ trích những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo bài viết, sau hàng thập niên tranh cãi, năm 2002, các nước liên quan đã thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), vốn được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, hướng tới duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc áp dụng chiến lược “Chuỗi ngọc trai”, mà nước này cho là nhằm bảo đảm an toàn các tuyến đường biển vận chuyển năng lượng đã một lần nữa thổi bùng căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Đặc biệt, thời gian gần đây Trung Quốc đã gia tăng các hành vi khiêu khích đối với các nước láng giềng như triển khai ồ ạt hải quân, xâm nhập sâu vào các vùng biển tranh chấp, đâm va với các tàu tuần tra hay tàu đánh cá của các nước láng giềng,…
Cũng giống như phát biểu của các nhà lãnh đạo, giới học giả và báo chí quốc tế, bài viết cũng một lần nữa nhấn mạnh, những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông càng cho thấy sự cần thiết của đối thoại.
Theo tác giả, chính với tinh thần này, bất chấp những hành động gây hấn của Trung Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vẫn kiên trì các nỗ lực nhằm duy trì đối thoại thường xuyên với Trung Quốc, hướng tới tháo ngòi nổ căng thẳng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Theo VOV
Bình luận