Sáng 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố.
Tại đây, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 4 tháng đầu năm và cho biết kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, các cân đối lớn được đảm bảo.
Tăng trưởng kinh tế của thành phố được duy trì khi trong hai năm 2021-2022, GRDP tăng 5,86%. Dù vậy, đây vẫn là mức khá thấp so với chỉ tiêu đề ra ở giai đoạn 2021-2025 (7,5-8%).
Trong năm 2022, thu nhập tính theo GRDP của Hà Nội đạt bình quân 141,8 triệu đồng/người, tăng 18,1 triệu đồng so với năm 2020. Tổng số vốn đầu tư xã hội năm 2021-2022 là 872.200 tỷ đồng.
Chủ tịch Hà Nội nhìn nhận công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị cũng được tăng cường; phát triển hạ tầng giao thông được tập trung đẩy mạnh.
Ông Thanh đề cập đến một số công trình quy mô lớn, quan trọng được triển khai như: Đưa vào vận hành đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông; đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành trong năm 2023 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.
Thành phố cũng đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục để khởi công dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 - vùng thủ đô trong năm 2023; đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 trong năm nay.
Để hoàn thành được những mục tiêu sắp tới, Hà Nội đưa ra 5 nhóm kiến nghị với Thường trực Chính phủ. Trong số này có 3 kiến nghị về dự án vành đai 4 - vùng thủ đô, 7 kiến nghị về đường sắt đô thị, 4 đề xuất về nhà ở, 3 kiến nghị về đất đai và 2 kiến nghị về phân cấp, ủy quyền.
Về dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành cho phép tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư.
Liên quan đến triển khai dự án thành phần 3 (dự án PPP), thành phố kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND thành phố là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư tiểu dự án đầu tư công trong dự án này.
Trong việc áp dụng cơ chế đặc thù cho dự án vành đai 4, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT hướng dẫn về việc cho phép nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP và BOT (dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Với nhóm kiến nghị về các tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội đề nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội trong tháng 5.
Đối với tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc, để đảm bảo việc cân đối nguồn lực trong việc thực hiện dự án, thành phố cũng đề xuất được sử dụng nguồn vốn từ nguồn ODA để đầu tư dự án…
Về lĩnh vực nhà ở, Hà Nội kiến nghị được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội đối với đối với quỹ đất ở 20% thuộc các dự án có quy mô trên 2 ha được nộp bằng tiền, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung.
Trong phát triển nhà ở tái định cư, lãnh đạo thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép dừng thực hiện cơ chế đầu tư thí điểm đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn.
Đồng thời, cho phép chuyển đổi một số khu nhà tái định cư không dùng đến chuyển sang làm nhà ở xã hội.
Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất. Trong đó, giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý và quy định việc sử dụng số tiền thu được từ khai thác quỹ nhà, đất này.
Cùng với đó, Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị...
Bình luận