"Vừa qua tôi cũng đã xử lý một số trường hợp quy hoạch trường học, bệnh viện toàn vào bãi tha ma, cục thịt thì nhà đầu tư làm trước, cục xương thì vứt lại cuối cùng và chúng ta lĩnh.
Những việc như thế này phải rút kinh nghiệm, nói rất nhiều rồi, khi phát hiện ra vấn đề là phải có chủ trương ngay. Đưa ngay trường học vào bãi tha ma thì chết dở, một phần cũng là do quản lý không tốt".
Đó là chia sẻ của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai sáng 5/5.
Kiến nghị làm bãi đỗ xe thông minh
Trước đó, cử tri Nguyễn Văn Tần (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) nêu hàng loạt vấn đề dân sinh bức xúc như thiếu trường lớp, thiếu bãi đỗ xe trên địa bàn, đặc biệt là trong khu đô thị Linh Đàm.
Cử tri Nguyễn Văn Tần mong muốn Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu đề nghị với Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) bàn giao 7 ô đất đang quản lý về Hà Nội để đầu tư xây dựng trường học và bãi xe, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Cử tri Mai Thanh Trung (phường Định Công, quận Hoàng Mai) đề nghị thành phố sớm quan tâm đầu tư bổ sung trường học trên địa bàn, vì nhu cầu đang đặt ra ngày càng bức thiết. Ông Trung kiến nghị với Bộ Xây dựng cho phép xây dựng trường học cao lên 6 tầng và tăng mật độ xây dựng lên 70%. Cử tri cũng kiến nghị thành phố nghiên cứu thu hồi đất tại các dự án chậm triển khai để xây bãi xe phục vụ nhu cầu của người dân.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đến nay, Tổng công ty HUD đã có văn bản bàn giao các ô đất quy hoạch cho thành phố. Quan điểm của thành phố là khi tiếp nhận, sẽ giao cho quận quản lý, sử dụng. Khi đó, quận phải kêu gọi đầu tư bằng nguồn xã hội hóa. Đối với trường học, nếu không có nhà đầu tư thì mới sử dụng ngân sách nhà nước. Đối với bãi đỗ xe, quận phải khuyến khích đầu tư bãi xe thông minh, cho phép xây dựng bãi đỗ xe cao tầng.
Ông Dũng cho biết, thành phố đã có văn bản bàn giao cho quận Hoàng Mai về vấn đề bãi đỗ xe. Ông cũng đồng tình với kiến nghị của cử tri về việc xây dựng bãi đỗ xe thông minh có thể cao 5-7 tầng kết hợp dịch vụ ăn uống.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, từ việc này, thành phố cũng phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đầu tư đô thị trên địa bàn; phải nêu rõ quan điểm, tạo điều kiện hết sức, nhưng có kỷ cương, kỷ luật. Chủ đầu tư dự án khu đô thị phải xây dựng hạ tầng trường học, bệnh viện trước, mới cho xây nhà, bán nhà.
Đối với các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm quy định, thành phố đã cho rà soát và thu hồi, tới đây sẽ làm tiếp trên quan điểm đã dừng là dừng, hủy ngay quyết định giao đất.
Ông Đinh Tiến Dũng đánh giá công tác xử lý, giải quyết các vụ việc về an ninh; quản lý, sử dụng lòng đường vỉa hè có lúc có nơi còn chậm, thiếu bài bản, chưa triệt để. Ông cho rằng, vỉa hè có nhiều chức năng, bình thường để phục vụ người đi bộ nhưng với Thủ đô phần nào nó cũng là sinh kế của người dân nên phải tính toán kỹ lưỡng.
Đối với kiến nghị liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, Bí thư Thành ủy đề nghị Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo rà soát nhanh, nơi nào đủ các điều kiện an toàn thì cho hoạt động trở lại.
Khởi công xây dựng Vành đai 4 vào tháng 6
Thông tin về tình hình Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, đến nay, thành phố đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 50% diện tích đất, 60% số mộ cũng đã được di dời. Thành phố đang quyết tâm bàn giao từ 70% diện tích giải phóng mặt bằng trở lên và khởi công trong tháng 6/2023.
“Thành phố có kết quả như vậy là nhờ sự vào cuộc trách nhiệm cao và rất quyết liệt của cấp ủy, chính quyền 7 quận, huyện có dự án đi qua, đặc biệt là nhờ sự ủng hộ của người dân. Sự đồng thuận của nhân dân rất quan trọng trong tất cả các công việc. Thuận lòng dân đều sẽ làm được”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tổng số tiền giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội (58,6 km) là khoảng 13.000 tỷ đồng, bao gồm phần đường cao tốc, đường song hành hai bên và 30 m chiều ngang dự trữ làm đường sắt quốc gia.
“Tính ra, chi phí cho mỗi km đường Vành đai 4 vào khoảng hơn 360 tỷ đồng. Con số này không lớn nếu so với đầu tư cho đường Vành đai 2,5 (chỉ hơn 1 km trên địa bàn quận Hoàng Mai mà chi phí hơn 2.500 tỷ đồng); đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (cũng chỉ hơn 1 km, mà chi phí hơn 7.600 tỷ đồng). Nên chúng ta làm sớm được ngày nào, làm đồng bộ luôn một lần thì tiết kiệm được rất lớn. Tiền cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đời sống người dân ổn định, không phải lo di dời, giải phóng mặt bằng”, ông Đinh Tiến Dũng nói.
Bình luận