(VTC News) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội lo ngại nếu không có biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân thì trong vòng 4 đến 5 năm tới giao thông thủ đô sẽ rất phức tạp.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra vào sáng nay (28/12), Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nêu ý kiến đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương phối hợp với TP Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông |
Tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, bình quân hàng tháng, Hà Nội có đăng ký mới 18.000- 22.000 xe máy, 6.000-8.000 xe ô tô.
"Với tốc độ này, chưa tính đến 2018 các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm sẽ tăng lên, đến 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô, chưa kể ô tô của các lực lượng vũ trang và các tỉnh vào Hà Nội và sẽ có 7 triệu xe máy", ông Chung nói tại Hội nghị trực tuyến.
Ông Chung lo ngại, nếu với tốc độ tăng phương tiện giao thông cá nhân như hiện tại mà không có giải pháp gì thì trong vòng 4 đến 5 năm nữa tình hình giao thông thủ đô sẽ rất phức tạp.
Thời gian qua, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên một số tuyến đường trọng điểm của thủ đô đang có công trình thi công như Nguyễn Trãi, Trần Phú - Hà Đông, Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu...
Các cơ quan ban ngành của Thành phố đã đề ra nhiều biện pháp giải tỏa áp lực giao thông. Trong đó việc thu hẹp rào chắn trên một số tuyến đường đang thi công đường sắt đô thị đã được tiến hành. Cùng với đó, Hà Nội tăng cường lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông tại các điểm "nóng" trên toàn thành phố.
Ùn tắc giao thông kinh hoàng ở Hà Nội |
Bên cạnh đó, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016, có thể đặt mục tiêu tăng trưởng 7% thay vì 6,7%, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 1%.
Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, đến 26/12, TP Hà Nội thu đạt 148.271 tỷ đồng, bằng 104,6% dự toán. Huy động vốn cho đầu tư phát triển tăng 12,6%. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số PCI tăng 7 bậc năm 2014.
Đến 25/12/2015, số doanh nghiệp đăng ký mới trên 19.000, số vốn đăng ký khi thành lập là 140.840 tỷ đồng, tăng 31%. Về an sinh xã hội được bảo đảm, giải quyết việc làm được 148.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2015 cũng giảm.
Tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu một số khó khăn thách thức như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, cơ chế chính sách chưa được gỡ kịp thời, quản lý đô thị còn gây bức xúc trong dư luận như xây dựng trái phép, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính nhất là phân cấp quản lý, xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan còn hạn chế.
Video: Tắc đường tại ngã tư lớn nhất thủ đô Hà Nội
Hà Minh
Bình luận