• Zalo

Chủ tịch Google làm gì ở Triều Tiên?

Thế giớiThứ Tư, 09/01/2013 11:16:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhiều chuyên gia đang suy đoán về lí do người khổng lồ trong làng công nghệ thông tin lại đến thăm Triều Tiên vào thời điểm này..

(VTC News) - Bất chấp các áp lực lên án từ dư luận quốc tế, Chủ tịch Google Eric Schmidt và cựu Thống đốc New Mexico Bill Richardson vẫn đến thăm Triều Tiên.

Nội dung chính trong chuyến thăm Triều Tiên lần này của 2 ông là chương trình 'nhân đạo' riêng tư của cựu Thống đốc Bill Richardson. 

Nhiều chuyên gia đang suy đoán về lí do người khổng lồ trong làng công nghệ thông tin lại đến thăm Triều Tiên vào thời điểm này.

Trong khi đó, đây không phải là lần đầu tiên ông Richardson đến Bình Nhưỡng. Trước đây, ông đã từng là đại sứ của Mỹ ở Liên Hợp Quốc và đảm nhận nhiệm vụ đến Triều Tiên làm việc để trả tự do cho các công dân Mỹ bị bắt tại đây.

Theo hãng tin RT, chuyến đi lần này của Richardson cũng có ý nghĩa tương tự, ông sẽ gặp Kenneth Bae ở Bình Nhưỡng, một công dân Mỹ đã bị bắt giữ tại Triều Tiên tháng 11 năm ngoái.

Chủ tịch Google Eric Schmidt tại sân bay quốc tế Bắc Kinh trước khi đáp chuyến bay sang Bình Nhưỡng 

Ông Schmidt - Chủ tịch Google bay đến Bình Nhưỡng cùng với chuyên gia cao cấp của Google là Jared Cohen, họ vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào, dù cho nhiều người vẫn đang đặt dấu hỏi lớn về mục đích của chuyến đi này.

Tuy nhiên, Washington đã có những lời chỉ trích Chủ tịch Google, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ gọi thời điểm của chuyến thăm đến Triều Tiên lần này là 'vô ích'.
>> Xem clip: Chủ tịch điều hành Google đến Triều Tiên

Hãng tin RT dẫn lời chuyên gia Rudiger Frank đến từ Đại học Viena, Áo nói phản ứng này của Mỹ không có gì bất ngờ. 
Chuyến thăm của 2 người Mỹ nổi tiếng đến Triều Tiên lần này đem theo nhiều 'dấu hiệu phức tạp' về việc lên án và các biện pháp trừng phạt 'vô lí' với Chính phủ Triều Tiên gần đây của Mỹ.

Rudiger Frank phân tích rằng, Chủ tịch Google đến thăm Triều Tiên lần này không chỉ đơn giản là bàn luận về tự do thông tin hay phá vỡ chính sách quốc gia: 
"Chúng ta phải hiểu rằng Google không chỉ hoạt động trong lĩnh vực thông tin, họ còn hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác và nên nhớ rằng Triều Tiên đã tự sản xuất được điện thoại di động và máy tính bảng".

John Feffer, chuyên gia Viện nghiên cứu chính sách ở Washington nói với RT: "Các quan chức Mỹ đang cố gắng tạo nên những 'áp lực cáo buộc' với Triều Tiên, một trong những quốc gia bị trừng phạt nặng nhất thế giới".


Chủ tịch Eric Schmidt của Google (thứ 2 từ phải qua) đang theo dõi sinh viên Triều Tiên dùng máy tính khi đến thăm Đại học Kim Nhật Thành 

"Chuyến thăm này của Chủ tịch Google về cơ bản là đang đi ngược lại những áp lực lên án chung hiện nay", John Feffer nói thêm.

Ông Schmidt chụp ảnh tư liệu tại Triều Tiên 

Theo các chuyên gia, Google có thể đã nhìn thấy những tiềm năng làm ăn ở Triều Tiên, nơi có những lập trình viên tay nghề cao, có thể đóng góp cho sự phát triển nền tảng Android của Google.

Ngoài lực lượng lao động có trình độ cao, Triều Tiên còn là quốc gia ít xảy ra đình công, biểu tình cùng với nguồn nguyên liệu dồi dào sẽ là điểm đến của nhiều công ty đa quốc gia trong tương lai.

Tuy nhiên, theo Feffer, vấn đề lớn nhất của Triều Tiên hiện nay là các lãnh đạo còn chưa có tâm lí muốn mở cửa hợp tác: "Chuyến thăm của một 'ông lớn' trong làng công nghệ thông tin như Google sẽ có nhiều khả năng để thay đổi quan điểm của họ hơn". 

Tùng Đinh

Bình luận
vtcnews.vn