Trong chương trình “CEO 100 Tea Connect” thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) 2023, đại diện các doanh nghiệp đã nêu lên những góp ý quý báu cho chính quyền thành phố.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE (REE) cho biết, ô nhiễm môi trường đang đe dọa rất lớn đến sức khỏe của người dân TP.HCM. Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí đang khiến chi phí sử dụng dịch vụ y tế của người dân ngày càng tăng cao. Những loại bao bì sử dụng 1 lần có mặt ở khắp mọi nơi, đi đâu cũng nhìn thấy rác thải.
Những con đường của thành phố ngày càng chật chội do quy hoạch trước đây chưa được tốt. Điều này khiến thành phố phải chi rất nhiều tiền để “đập đi xây lại”, đây là khuyết điểm rất lớn trong khâu quy hoạch.
Bà Thanh cho rằng, nếu TP.HCM quy hoạch tốt hơn, tầm nhìn xa hơn (khoảng 50 năm) thì thành phố đã không phải chịu những khó khăn về giải tỏa mặt bằng như hiện nay. Khi giao thông phát triển, hạ tầng phát triển thì thành phố sẽ có tốc độ phát triển kinh tế nhanh hơn.
Cũng theo bà Thanh, ô nhiễm môi trường và quy hoạch chưa bài bản đang “níu chân” sự phát triển của thành phố. Muốn phát triển bền vững thì thành phố phải giảm phát thải, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng. Thành phố cũng cần phải áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, phân loại, tái chế và bớt sử dụng bao bì không thể tự phân hủy.
Bà Thanh chia sẻ, doanh nghiệp của bà cũng tham gia vào việc sản xuất năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và đầu tư xử lý nước sạch, xử lý rác thải cho thành phố. Thế nhưng, dự án nhà máy xử lý rác công suất 2.000 tấn/ngày của doanh nghiệp phải chờ đến 18 tháng mới có thể xác định được địa điểm triển khai dự án, như vậy là quá mất thời gian.
“Chúng tôi cũng nhận thấy TP.HCM có rất nhiều tòa nhà công sở, trường học thuộc chính quyền thành phố quản lý. Những địa điểm này cần được phủ kín bởi hệ thống năng lượng mặt trời áp mái. Nguồn năng lượng sạch này sẽ được các cơ quan chính quyền sử dụng. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư những hệ thống này cho thành phố và bán điện theo giá của điện lực”, bà Thanh nói.
Theo bà Thanh, REE cũng có thể đầu tư hệ thống nước uống cho tất cả trường học trong thành phố nhằm kéo giảm việc sử dụng chai nhựa, bình nhựa. Đây là những chia sẻ, đồng hành của doanh nghiệp cùng với chính quyền thành phố.
Trước ý kiến đầy tâm huyết của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã cảm ơn và ghi nhận ý kiến quý báu này. Ông Mãi cho biết, chính quyền thành phố đang nỗ lực cải thiện môi trường sống cho người dân.
Cụ thể, đối với công tác xử lý nước thải, thành phố sẽ cố gắng thu gom, xử lý khoảng 60 – 70% lượng nước thải vào cuối năm 2025. Đến 2027 – 2028, thành phố cố gắng thu gom, xử lý 100% lượng nước thải khi ra môi trường.
Đối với công tác xử lý rác thải, đây là vấn đề vô cùng nan giải của thành phố. Bởi, hiện tại công nghệ chôn lấp rác vẫn là công nghệ chủ đạo tại thành phố, trong khi đó công nghệ xử lý rác tiên tiến chỉ chiếm hơn 10%. Tuy nhiên, thành phố chỉ duy trì công nghệ chôn lấp rác đến năm 2025.
Bước sang năm 2026, thành phố sẽ xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến như đốt rác phát điện hoặc thậm chí là xử lý lại lượng rác đã chôn lấp bằng công nghệ hiện đại. Thành phố sẽ có các nhà máy xử lý rác công xuất xử lý rác 12.000 tấn/ngày. Những nhà máy này sẽ áp dụng công nghệ đốt rác phát điện.
“Chúng tôi cũng đang có các chương trình chỉnh trang đô thị, cải tạo hệ thống kênh rạch của thành phố như kênh Tham Lương – Bến Cát, Rạch Xuyên Tâm, Kênh Đôi – Kênh Tẻ…”, ông Mãi nói.
Theo ông Mãi, những hành động cụ thể của chính quyền thành phố về công tác xử lý rác thải, nước thải, khí thải… cũng đang góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân từng ngày. Chính quyền thành phố mong các doanh nghiệp, người dân chia sẻ và đồng hành với những nỗ lực của thành phố.
Bình luận