• Zalo

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Một số bệnh viện xây xong bỏ không

Chính trịThứ Tư, 14/09/2022 09:56:54 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, một số bệnh viện trọng điểm hoàn thành nhưng không đi vào khai thác, xuống cấp nghiêm trọng.

Sáng 14/9, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”.

Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng Đoàn giám sát - cho biết, một số bệnh viện trọng điểm cấp trung ương và cấp tỉnh hoàn thành nhiều năm, nhưng không đi vào khai thác, sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ các Bệnh viện Bạch Mai và Việt - Đức cơ sở 2 tại thành phố Phủ Lý, Hà Nam và Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Dương… là các dự án đã hoàn thành, hoặc cơ bản hoàn thành nhiều năm nhưng chưa khai thác được.

"Cũng thuộc lĩnh vực y tế, qua giám sát thấy rằng, việc đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, đầu tư, mua sắm, quản lý, khai thác trang thiết bị y tế, đầu tư các dự án bệnh viện, cơ sở y tế còn nhiều tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí, không hiệu quả. Việc thổi giá thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị chưa được xử lý kịp thời. Nhiều trang thiết bị hiện đại đắp chiếu nhiều năm tại một số cơ sở y tế", ông Cường nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Một số bệnh viện xây xong bỏ không - 1

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Không chỉ trong lĩnh vực y tế, theo ông Cường, tại một số địa phương, tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A còn chậm.

Theo Đoàn giám sát, các dự án chậm tiến độ, hiệu quả thấp là gánh nặng, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, phá vỡ các kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội không chỉ một địa phương mà còn cả khu vực, cả nước.

Ông Cường nêu ví dụ cụ thể, tại TP.HCM, một số dự án thuộc diện quan trọng quốc gia quyết định đầu tư từ nhiều nhiệm kỳ trước đây chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư lên gấp nhiều lần, thực hiện chưa đúng quy định, gây bức xúc dư luận.

Cụ thể, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (JICA) được phê duyệt năm 2008, qua 14 năm thực hiện vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành (dự kiến năm 2028 mới kết thúc dự án), đội vốn quá lớn từ 7.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng.

Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành - Tham Lương (ADB, KfW, EIB), được phê duyệt tháng 10/2010 song theo Báo cáo của Thành phố thì thời gian hoàn thành thi công đưa vào khai thác dự kiến phải đến năm 2030. Đây cũng tiếp tục là dự án đội vốn rất lớn, tổng mức đầu tư ban đầu là 26.116 tỷ đồng vào năm 2010, đến năm 2018 là 47.891,28 tỷ đồng.

Ngoài ra, TP.HCM có 2 dự án dừng thực hiện, song chưa đánh giá kỹ nguyên nhân tiến độ thực hiện các dự án nhóm A chậm, các vướng mắc phát sinh, lý do và phương án xử lý đối với 2 dự án dừng thực hiện; chưa đánh giá việc lãng phí nguồn lực trong những trường hợp này.

Tại TP Hà Nội, Đoàn giám sát nhận định, nhiều dự án lớn, nhất là các tuyến đường sắt đô thị cũng ở tình trạng chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chưa rõ thời hạn hoàn thành.

Cụ thể, Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 32.910 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2008 - 2022; Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678,632 tỷ đồng...

Ngoài các dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, còn có những dự án nhóm A đã hoàn thành, đưa vào hoạt động nhưng kém hiệu quả như: Dự án Bảo tàng Hà Nội, Tuyến xe buýt nhanh (BRT) Cát Linh - Hà Đông...

"Các loại dự án trên là những điển hình của việc thất thoát, lãng phí, xảy ra trong thời gian dài, nhưng chậm được các cấp có thẩm quyền khắc phục, xử lý. Đối với các dự án ODA, việc chậm tiến độ, kém hiệu quả ngoài thất thoát, lãng phí, còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia", ông Cường khẳng định.

Đáng chú ý, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội còn cho biết, hệ thống thông tin, dữ liệu liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức, nên mặc dù rất nỗ lực, nhưng sau nhiều lần bổ sung báo cáo (có đơn vị bổ sung 4 - 5 lần báo cáo) thông tin, số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cơ bản chưa đầy đủ theo yêu cầu của Đoàn giám sát, chưa lượng hóa được nhiều số liệu tiết kiệm, thất thoát, lãng phí.

Nhiều thông tin, số liệu báo cáo chưa chính xác, còn mâu thuẫn trong từng báo cáo và giữa các Bộ, ngành quản lý ngành, lĩnh vực với thông tin kết quả thanh tra, kiểm toán, điều tra và thông tin của các bộ, ngành, các địa phương. Hạn chế này đã gây nên những khó khăn nhất định cho việc tổng hợp, nhận định, đánh giá của Đoàn giám sát.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn