Tham gia ý kiến, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) chia sẻ, ông còn nhớ mãi chuyện nguyên Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói về GS. Ngô Bảo Châu rằng, nhà khoa học tiếng tăm như thế nhưng nếu xét tiêu chí như thi công chức thì chưa chắc thi đã có thể đỗ làm chuyên viên ở Bộ Nông nghiệp.
Ông Tiến băn khoăn, như vậy thì không hiểu tiêu chí công chức của Việt Nam như nào, yêu cầu tài năng khủng khiếp gì mà một nhà khoa học được cả thế giới ghi nhận như thế lại khó có thể bước vào bộ máy làm việc.
Phân tích tiếp về vấn đề thay đổi tư duy trong hoạt động quản lý, điều hành để có thể thực sự tái cơ cấu nền kinh tế, ông Tiến dẫn chứng từ mục tiêu trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Kết quả thực hiện đề án sau 5 năm, như Chính phủ đã xác nhận là việc cổ phần hoá các “ông lớn” nhà nước hết sức chậm, khó khăn. Trong khi đó, nhiệm vụ này được đốc thúc rất găng trong nhiệm kỳ trước, thậm chí đã có chỉ đạo “nơi nào làm chậm thì người đứng đầu bộ, ngành đơn vị phải chịu trách nhiệm, sẽ…. mất chức.
“Nhưng đã hết khoá rồi, việc chậm thì đã rõ mà vẫn chẳng thấy ai mất chức cả. Câu chuyện vỡ trận tại Vinashin sẽ còn mãi” – đại biểu Hà Nam cảnh báo.
Doanh nghiệp nhà nước thì vậy còn môi trường cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động, như nhận xét của ông Phùng Đức Tiến “tham nhũng là gánh nặng khủng khiếp”.
Ông Tiến mô tả, để ký được một văn bản chấp nhận một chủ trương, dự án, doanh nghiệp trước hết phải qua “ông” chuyên viên, qua chuyên viên xong đến “ông” vụ phó, qua vụ phó rồi mới tới “cửa” vụ trưởng, rồi qua vụ trưởng mới đến được chỗ thứ trưởng. Con đường qua rất nhiều nhiêu khâu lòng vòng như thế, theo đại biểu, đã đủ sức làm nản lòng bất cứ doanh nghiệp nào.
Cùng đoàn Hà Nam, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) tán thành với những phân tích của đồng nghiệp.
Ông nhấn mạnh, ai cũng hiểu doanh nghiệp là sức khoẻ của nền kinh tế. Thủ tướng vừa qua có những thông điệp rất mạnh về việc phát triển doanh nghiệp – lực lượng chủ yếu cho nguồn thu ngân sách cũng như giải quyết công ăn việc làm chứng tỏ Chính phủ cũng có từng bước để giải quyết các vấn đề.
Tuy nhiên mọi tồn tại vẫn còn ngổn ngang. Con đường dài nhất Việt Nam vẫn là từ lời nói đến việc làm, như nhiều ý kiến đã đánh giá, quả là dài quá, đi mãi không đến nơi trong khi tốc độ tái cơ cấu chậm như thế.
Phân tích từ khía cạnh cân đối thu chi ngân sách của ta, ông Hùng chỉ rõ, ngân sách nhà nước thu vẫn không đủ chi, Việt Nam đang trong tình trạng phải vay để trả nợ vòng, chi đầu tư phát triển đang giảm dần trong khi chi thường xuyên mỗi ngày một tăng thêm (năm nay đã lên mức 72%).
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) cho rằng những mặt được có thể thấy rõ như đời sống người dân đã được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia cũng tăng, tái cơ cấu ngân hàng cũng đạt kết quả nhất định, kết cấu hạ tầng giao thông rõ ràng có sự thay da đổi thịt…
Đề cập đến những kịch bản đề ra cho giai đoạn tới, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng chủ trương chung còn quá nặng nề về yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở giữ chặt lạm phát. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, không nên quá nặng nề mục tiêu kiềm chế lạm phát, dẫn đến những kìm hãm với sức phát triển kinh tế trong khi áp lực cạnh tranh từ bên ngoài rất lớn.
“Ta có nên xác định mức tăng trưởng vẫn chỉ giữ ở khoảng 6-6,5%/năm khi nền kinh tế đã đang ở mức thấp so với thế giới. Giữ mức tăng từ từ, mỗi năm một vài % như vậy sẽ không bao giờ đuổi kịp các nước phát triển. Vấn đề không phải là kìm giữ giá, chỉ số lạm phát mà cần phải đẩy năng suất lao động lên” – Bộ trưởng Nội vụ nói.
Yếu tố đẩy năng suất lao động, theo Bộ trưởng Nội vụ phải từ việc cải thiện tiền lương. Bộ trưởng phân tích, nguồn nhân lực trong khu vực đơn vị sự nghiệp công lập hiện tại là 2,1 triệu người nhưng mới chỉ có hơn 1.000 đơn vị thực hiện quyền tự chủ. Trừ đi số này ra khỏi diện nhà nước trả lương cũng mới chỉ giảm được rất ít, chưa thể tính đến cải cách tiền lương.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt (đại biểu tỉnh Lạng Sơn) tiếp ý của Bộ trưởng Nội vụ, cho rằng phải cơ cấu lại trước hết về bộ máy, về nguồn nhân lực. Nghịch lý là muốn tinh giản, thay máu hệ thống, đổi mới tư duy nhưng lại bàn hướng sửa luật để tăng tuổi lao động. Tăng tuổi nữa, theo tướng Việt, thì bộ máy sẽ vẫn còn tiếp tục đi theo chiều hướng, lối tư duy hiện tại.
Điểm “mắc” nhất, theo Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh là việc cơ chế nơi nào cũng dở chừng, “nhập nhằng”.
Video: Những câu hỏi lớn từ vụ án Trịnh Xuân Thanh
Nói tái cơ cấu đầu tư công thì người nói đầu tư dàn trải, người lại bảo không thể làm tập trung vì nếu không dàn ra, làm sao bộ mặt đất nước được như hiện tại. Nói cần chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu nhưng thực tế, rộng cũng chưa ra rộng, phát triển cũng vẫn là manh mún.
Tư duy điều hành cũng lộn xộn, không thống nhất nên rất dễ chê bai nhau, nhiệm kỳ sau chê nhiệm kỳ trước, thế hệ sau chê thế hệ trước…
“Một thời ta nói về nội lực, nay đã chán, lại nói về thu hút đầu tư từ bên ngoài, một thời ai cũng nói về quy trình chuẩn mà giờ động đến “quy trình” là dân ngán rồi. Không khéo, giờ nói chuyện chuyển rộng sang sâu cũng dễ gây dị ứng” – tướng Võ Trọng Việt cảnh báo.
Nhiều nghịch lý khác được Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh thẳng thắn chỉ ra, như: “Kiểm toán ở trên trời mà tham nhũng lại dưới đất, như 2 đoàn tàu, gặp nhau ở một vài ga là do công của báo chí, dư luận chứ trên thực tế, kiểm toán và tham nhũng đi trên những hệ thống khác nhau với 2 loại sổ - “sổ đen” và “sổ đỏ”.
Vậy nên đến vụ Trịnh Xuân Thanh mới lòi ra mớ “sổ đen” như vậy (trong vụ án tại TCty Xây dựng dầu khí PVC, tại các công ty con đã phát hiện 2 hệ thống sổ sách, với số "quỹ đen" tới trên 80 tỷ đồng, chi tiêu vô tội vạ vào những chuyện tiếp khách, mua đồ đánh golf cho sếp, tổ chức sinh nhật bố sếp Thanh...)”.
Video: Điều tra vụ thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam
Bình luận