• Zalo

Chủ kho hàng lậu 10.000 m2 ở Lào Cai có dấu hiệu bỏ trốn

Thị trườngThứ Năm, 16/07/2020 20:26:22 +07:00Google News

Sau 10 ngày chủ kho hàng “khủng” hoạt động thương mại điện tử ở Lào Cai vẫn chưa đến cơ quan chức năng trình diện và khai báo, có dấu hiệu bỏ trốn.

Sẽ chuyển vụ việc sang điều tra hình sự

Chủ kho hàng lậu 10.000 m2 ở Lào Cai có dấu hiệu bỏ trốn - 1

Hàng trong kho của Trần Thành Phú có tới 158.000 sản phẩm các loại.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết chiều 17/7, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục QLTT, cho biết đối tượng Trần Thành Phú (28 tuổi, chủ kho hàng rộng 10.000 m2 tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai) vẫn chưa đến cơ quan chức năng trình diện và khai báo về những hoạt động liên quan kho hàng này.

Được biết đơn vị chức năng đã gửi thông báo đến địa chỉ thường trú, tạm trú của Trần Thành Phú, và thậm chí thông qua một số kênh thông tin nắm bắt đã “bắn tin” đến đối tượng, yêu cầu sớm ra trình diện, hợp tác khai báo, nhưng Trần Thành Phú vẫn bặt tín.

Tổng cục QLTT và các đơn vị liên quan đã phải mất 4 ngày mới kiểm đếm hết lượng hàng trong kho. Cụ thể, kho có tới 237 đầu sản phẩm các loại với trên 158.000 sản phẩm (giày, quần áo, túi xách…, nghi giả mạo nhiều thương hiệu lớn trên thế giới), và đơn vị chức năng phải sử dụng đến 34 container để niêm giữ tang vật phục vụ điều tra, xử lý.

Vẫn theo ông Minh, vụ việc đã có dấu hiệu hình sự và hiện đang được xem xét, đánh giá để chuyển sang cơ quan điều tra thụ lý (chưa rõ là Bộ Công an hay Công an tỉnh Lào Cai).

Việc phải lưu giữ lâu ngày số hàng này sẽ gây thêm khó khăn cho cơ quan chức năng và tốn kém tiền thuê container bảo quản. Hiện Tổng cục QLTT đang phối hợp với đơn vị tài chính để xác nhận trị giá lượng hàng, tức phải giám định rất mất thời gian.

Vụ việc gây chấn động dư luận và được đánh giá là tiêu biểu trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại qua thương mại điện tử với quy mô lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện, bắt giữ.

Giao dịch online đã manh nha từ nhiều năm trước nhưng nở rộ từ cuối 2018. Hình thức livestream và chốt hàng trực tuyến đang gây khó khăn, thậm chí lúng túng cho lực lượng QLTT ở tất cả các địa phương. Dịch Covid-19 bùng phát mạnh và kéo dài từ hồi đầu năm nay càng khiến cơ hội thương mại điện tử phát triển khắp mọi nơi.

Hình thức giao dịch này là kênh rất thuận lợi cho chủ buôn đưa sản phẩm đến khách hàng. Chúng lợi dụng những nhà vận chuyển có thương hiệu quốc gia như Viettel Post để trót lọt giao dịch. Trong vụ này, có tới hai đơn vị chuyển phát chuyên nghiệp đã vào tận kho của Trần Thành Phú để đóng hàng thay cho chủ hàng và đưa hàng đến người tiêu dùng.

Tổng cục QLTT đã liên tục khuyến cáo người mua hàng nên cảnh giá và thận trọng đối với giao dịch điện tử, nên xác định hàng gì, người bán là ai, ở đâu, việc đổi trả thế nào, không tham của rẻ mà tiếp tay cho hàng lậu, hàng giả.

Thông quan “có vấn đề”?

Một cán bộ lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh mới về hưu sau nhiều năm làm công tác tại  một tỉnh biên giới có cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, đánh giá ban đầu về kho hàng “khủng” này qua thông tin báo chí, cho rằng địa bàn Lào Cai cũng giống như một số nơi có bày bán đồ hàng Trung Quốc (như Lạng Sơn, Móng Cái, Hà Giang), thì gian lận thương mại và buôn lậu luôn rất nhức nhối.

Chủ kho hàng lậu 10.000 m2 ở Lào Cai có dấu hiệu bỏ trốn - 2

Hàng hóa tại kho chứa hàng lậu ở Lào Cai.

Với lượng hàng lên đến 158.000 sản phẩm với rất nhiều chủng loại khác nhau như vụ Lào Cai này, và lực lượng phải mất mấy ngày kiểm đếm, doanh thu giao dịch điện tử hằng tháng lên đến cả chục tỷ đồng, cho thấy số hàng không thể vượt biên giới vào Lào Cai dễ dàng bằng thuyền qua sông Hồng (đoạn chảy giáp huyện Bát Xát), và cũng không thể gùi bộ qua lối mở nhỏ hoặc đường mòn giáp biên. Nghi vấn nên được tập trung vào cửa khẩu chính tắc (có thể là Kim Thành hoặc Cốc Lếu) khi thông quan hàng hoá. 

Vẫn theo cán bộ này, việc thông quan hiện nay tuy thể hiện chặt chẽ, có máy móc, phương tiện, nghiệp vụ, nhưng vẫn xảy ra hàng được thông quan mà “vỏ xanh, lõi đỏ“.

Tờ khai hải quan và hàng hoá bị kiểm tra rủi ro được phân theo các luồng kiểm tra xanh, vàng, đỏ. Ngay cả mức “đỏ” thì việc kiểm tra toàn diện lô hàng cũng không phải lúc nào, trường hợp nào cũng được thực hiện. 

Được biết, hiện nay phía Trung Quốc cũng thực hiện kiểm soát hàng hoá qua cửa khẩu rất gắt gao. Tại các lối mòn, lối mở, đường giáp biên, và cụ thể là ven sông Hồng (chung biên giới với Lào Cai), họ tuần tra rất nghiêm ngặt.

Một cán bộ đồn Biên phòng ở vùng biên này cho biết, việc hàng hoá được tập kết với số lượng lớn như vụ bắt giữ vừa qua cho thấy dường như vẫn có lỗ hổng nào đó trong quản lý và thực thi thông quan.

(Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết)
Bình luận
vtcnews.vn