• Zalo

Chọn phương án, tổ chức thi quốc gia là thẩm quyền của Bộ GD&ĐT

Giáo dụcThứ Hai, 20/10/2014 11:28:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định việc lựa chọn phương án 1 kỳ thi quốc gia 2015 là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.

(VTC News) – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định việc lựa chọn phương án 1 kỳ thi quốc gia 2015 là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.

Góp ý vào việc tổ chức kỳ thi quốc gia 2015, Báo điện tử VTC News tiếp tục xin ý kiến của nhiều chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Trả lời phỏng vấn VTC News, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị để tổ chức kỳ thi này một cách hiệu quả.

- Ngày 9/9, Bộ GD-ĐT đã quyết định phương án lựa chọn 1 kỳ thi quốc gia để làm 2 nhiệm vụ xét tốt nghiệp THPT và lấy căn cứ để các trường xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Quan điểm của ông về chủ trương này như thế nào?

pgs -ts trần xuân nhĩ
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT 
Tôi cho rằng chủ trương lựa chọn 1 kỳ thi quốc gia để đồng thời làm 2 nhiệm vụ là hoàn toàn đúng đắn. Đây là một việc làm tốt và dư luận xã hội cũng rất ủng hộ quyết định này của Bộ GD-ĐT.


Điều này không mới và đã được phần lớn các nước thực hiện từ trước tới nay. Quá trình học phổ thông của các em học sinh cần phải được đánh giá để tạo nên nguyên liệu cho các trường đại học, cao đẳng lấy làm căn cứ để xét tuyển. Điều này cũng phù hợp với việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng.

Các trường đại học, cao đẳng có thể xét tuyển bằng có nhiều cách. Đa số các trường sẽ căn cứ vào quá trình học phổ thông, điểm thi tốt nghiệp.

Để giữ thương hiệu, các trường đại học sẽ sàng lọc sinh viên trong quá trình 4 năm học. Thậm chí, có sinh viên sẽ phải học 6-7 năm mới ra được trường.

Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là phải nghiêm túc để đánh giá đúng trình độ của các thí sinh. Việc làm này sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ mỗi năm và đỡ căng thẳng cho học sinh và phụ huynh.

- Ông có thể chia sẻ cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khi lựa chọn phương án 1 kỳ thi quốc gia từ 2015?

Tôi xin khẳng định việc quyết định phương án thi và tổ chức kỳ thi quốc gia 2015 là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.

Bởi vì Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Vì vậy, lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng GD-ĐT phải chịu trách nhiệm chính trước nhân dân về quyết định này. Ở cấp địa phương, giám đốc Sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia 2015.

Tôi cho rằng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT phải lắng nghe ý kiến chuyên gia để tổ chức kỳ thi tốt nhất. Nếu làm sai thì lãnh đạo Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm.

Trong thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị nhưng lãnh đạo Bộ GD-ĐT chưa lắng nghe một cách nghiêm túc, cầu thị.

PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng chỉ nên duy trì 1 loại cụm thi

- Liệu có nên hình thành 2 loại cụm thi tổ chức tại địa phương và tổ chức tại các trường đại học không, thưa ông?


Tôi cho rằng không nên tổ chức 2 loại cụm thi do các trường đại học chủ trì và một loại cụm thi do địa phương chủ trì. Điều này vô tình đã thể hiện sự kỳ thị, phân biệt ngay giữa các thí sinh với nhau.

Ngoài ra, nếu thi tại địa phương, Bộ sẽ phải lập 63 hội đồng thi tại các tỉnh. Trong khi đó, vẫn phải tổ chức một số lượng không nhỏ cụm thi do các trường đại học tổ chức.

Việc tổ chức 1 loại cụm thi sẽ khiến cho số lượng hội đồng thi giảm bớt, các thí sinh được đánh giá trên cùng một mặt bằng nên sẽ có lợi cho thí sinh.

Với việc Bộ GD-ĐT định hình thành 2 loại cụm thi, Bộ GD-ĐT đang “lấy đá ghè chân mình”, tự làm khó mình.

- Là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, ông cho rằng trên cả nước cần bao nhiêu cụm thi và các cụm thi được tổ chức ra sao để có lợi cho học sinh tham gia dự thi?

Bộ GD-ĐT nên mở rộng tổ chức khoảng 40 cụm thi. Đối với tỉnh lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… thì Bộ nên tổ chức thành nhiều cụm.

Trong khi đó, những tỉnh có diện tích nhỏ có thể gộp 2-3 tỉnh/ cụm.

 

Việc quyết định phương án thi và tổ chức kỳ thi quốc gia 2015 là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT
PGS -TS Trần Xuân Nhĩ
 
Bộ GD-ĐT nên giao trách nhiệm cho các Sở GD-ĐT và chính quyền địa phương phối hợp cùng các trường đại học tổ chức cho nghiêm túc. Các trường đại học phải có trách nhiệm giám sát thi cho tốt.


Đối với từng cụm thi, Bộ GD-ĐT sẽ quyết định giao nhiệm vụ cụm trưởng cho lãnh đạo trường đại học hoặc lãnh đạo Sở GD-ĐT tại địa phương.

Hội đồng tổ chức kỳ thi quốc gia phải có đầy đủ đại diện các thành phần để giám sát lẫn nhau.Nếu Bộ GD-ĐT chỉ giao nhiệm vụ cho trường đại học thì nhiều Sở GD-ĐT sẽ không thấy trách nhiệm của mình trong đó.

Hiện tại, cả nước có hơn 400 trường đại học, cao đẳng nên dễ dàng phân bố người để giám sát kỳ thi.

Việc phân chia thành nhiều cụm thi sẽ giúp các thí sinh đi lại thuận tiện hơn và tránh việc phải di chuyển quá nhiều. Thực tế, lâu nay học sinh nơi khó khăn vẫn có thể tham gia dự thi tại các trường đại học một cách bình thường vì có nhiều tổ chức xã hội giúp đỡ. Bây giờ nhiều cụm hơn thì học sinh càng thuận lợi hơn.

- Các môn thi tự luận, trắc nghiệm sẽ được sắp xếp như thế nào để  học sinh không bị căng thẳng?

Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên sắp xếp tự luận trắc nghiệm xen kẽ để đỡ áp lực cho học sinh. Không nên bố trí các môn tự luận cạnh nhau.

- Liệu Bộ GD-ĐT có thể thiết kế đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh?


Tôi tin rằng nếu Bộ GD-ĐT biết huy động các chuyên gia vào việc làm đề thì có thể rõ ràng có thể thực hiện được việc này.

Với kinh nghiệm nhiều năm vừa qua, Bộ GD-ĐT có thể làm được việc đó. Đề thi có thể đánh giá được trình độ học sinh, làm cơ sở chọn lựa học.


- Công tác coi thi phải tổ chức như thế nào để đảm bảo tính khách quan, trung thực, thưa ông?

 

Tổ chức 2 loại cụm thi vô tình đã thể hiện sự kỳ thị, phân biệt ngay giữa các thí sinh với nhau
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ
 
Cơ sở vật chất của các tỉnh hiện nay khá đầy đủ để tổ chức một cách an toàn, nghiêm túc. Chúng ta cần tiếp tục cấm học sinh mang điện thoại, các thiết bị thu phát khác là có thể cách ly được học sinh với bên ngoài.

Điều quan trọng nhất, Bộ cần tăng cường giảng viên đại học giám sát kỳ thi này.

Bộ cần quy định cụ thể và thông báo rộng rãi sẽ xử lý lãnh đạo cụm thi một cách nghiêm khắc nếu để xảy ra tiêu cực và không quản lý được.

Tôi tin rằng, nếu có chế tài đủ sức răn đe thì đảm bảo khâu tổ chức thi nghiêm túc.

- Việc chấm thi năm nay liệu có khó khăn khi có tới 1 triệu bài văn tự luận cần chấm chính xác?


Bộ nên giao cho các cụm tổ chức chấm thi và quy định trách nhiệm cụ thể. Chấm thi đảm bảo tập trung, bài thi được đánh số phách. Sau chấm còn tiến hành phúc tra.

Nếu phúc tra điểm quá chênh lệch thì những người chấm thi phải bị kỷ luật. Lúc đó, cán bộ chấm thi cũng phải chấm cẩn thận.

Năm nay, các cụm thi cũng sẽ cần huy động nhiều giáo viên chấm thi môn Văn hơn những năm trước để đảm bảo việc chấm được nhanh và chính xác hơn. Bộ GD-ĐT cũng đã có kinh nghiệm tổ chức chấm thi trong các năm qua nên việc này cũng không quá khó khăn.

- Theo ông, để thuận lợi cho thí sinh đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng từ kết quả kỳ thi quốc gia, các trường này sẽ phải làm những công việc gì?


Tôi cho rằng các trường đại học cần phải đưa ra và công khai tiêu chí tuyển sinh như thế nào để học sinh và phụ huynh được biết. Việc này cần phải thực hiện sớm.

Bên cạnh đó, các trường cũng cần công khai cả các tiêu chí về đầu ra như trình độ của sinh viên, tỉ lệ sinh viên có việc làm để phụ huynh, học sinh biết được để lựa chọn cho chính xác.

- Ở kỳ thi quốc gia 2015, sau khi biết kết quả thi, thí sinh mới phải lựa chọn đăng ký vào trường đại học, cao đẳng. Vậy giải pháp nào để tránh lượng hồ sơ ảo vào các trường, thưa ông?

Để tránh hồ sơ ảo thì trong quá trình học, nhà trường và phụ huynh phải hướng nghiệp kỹ lưỡng cho các em học sinh. Khi có kết quả của kỳ thi quốc gia, học sinh tự tính toán để có quyết định chính xác nhất.

Tôi cho rằng không nên để học sinh đăng ký tự do quá nhiều. Tôi cho rằng chỉ cần tổ chức 3 đợt đăng ký nguyện vọng. Mỗi đợt cách nhau nửa tháng. Trong 1 đợt, các thí sinh chỉ được phép đăng ký vào 1 trường mà thí sinh yêu thích.

Hiện nay, học sinh có thể đăng ký nguyện vọng qua mạng và các trường cũng có thể quản lý dễ dàng, lựa chọn được thí sinh phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn