Chiều 5/6, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) liên quan tới thông tin chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định quan điểm của Chính phủ là phải lựa chọn các nhà đầu tư công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật; hạn chế thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư, xây dựng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ luôn ưu tiên cho các nhà đầu tư, các nhà thầu trong nước đủ năng lực. Với các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài, phải là những nhà thầu, nhà đầu tư năng có năng lực, trách nhiệm, có uy tín, “không để xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự như dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông”.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định cao tốc Bắc - Nam là dự án lớn, trọng điểm nên phải lấy chất lượng làm hàng đầu.
Vì vậy, ngay sau từ đầu, Bộ GTVT đã kiểm soát các đơn vị tư vấn, thi công, thậm chí kiến nghị Chính phủ thuê tư vấn nước ngoài giám sát để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
"Công trình trọng điểm quốc gia mà kém chất lượng thì rất nguy hiểm. Bộ vẫn tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đấu thầu cao tốc Bắc - Nam, cho phép hình thành các liên doanh", ông Thể cho hay.
Theo kế hoạch được duyệt, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, chia thành 11 đoạn. Trong đó có 3 đoạn đầu tư bằng ngân sách nhà nước, 8 đoạn còn lại kêu gọi đầu tư vốn tư nhân theo hình thức PPP.
Với 8 đoạn đầu tư theo hình thức PPP, Bộ GTVT đang duyệt hồ sơ mời thầu quốc tế với 21 gói thầu/8 dự án. Dự kiến tháng 4 tới, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế. Sau đó, vào khoảng đầu tháng 7/2019, bộ này sẽ công bố kết quả đấu thầu.
Tại phiên họp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hồi cuối tháng 4, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, các nhà đầu tư của các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp không mặn mà, chỉ có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm tới các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, với các đòi hỏi hiện nay về việc các nhà thầu phải có kinh nghiệm xây mới đường cao tốc với quy mô tương đương trong 3 năm gần đây thì chỉ có doanh nghiệp Trung Quốc mới đáp ứng được.
Các nước châu Âu và Nhật nhiều năm trở lại đây không có dự án đường sắt hay đường bộ cao tốc nào mới mà chỉ đại tu và sửa chữa nên các nhà thầu tại đây không có cơ hội để thi công, vì vậy khó có cơ hội cạnh tranh.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, việc lựa chọn nhà đầu tư phải áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế theo 2 giai đoạn sơ tuyển và đấu thầu.
Trong đó, giai đoạn sơ tuyển quốc tế (thực hiện trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt) sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm để lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư đủ điều kiện và có điểm đánh giá cao nhất vào vòng đấu thầu.
Bình luận