Câu hỏi được khá nhiều thí sinh đặt ra trong thời điểm này là học ngành gì, nghề gì để có cơ hội việc làm tốt trong 5 năm tới, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng.
Tư vấn cho thí sinh về vấn đề chọn trường, chọn ngành, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống. Nhưng nếu đón đầu các ngành cần thiết để học thì có thể là sự lựa chọn chưa thông minh. Bởi ngành nào cũng có những vai trò nhất định trong xã hội. Trước mắt, những ngành liên quan đến 4.0 như Công nghệ thông tin, Điện tử, Toán Tin… và những ngành liên quan đến phòng chống COVID-19 như Y khoa, Sinh học, Hóa học và khối ngành Cơ khí, Điện tử có “đất dụng võ”.
Đơn cử như ngành kỹ thuật Cơ khí của ĐH Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp đều trên 90%. Số còn lại là các sinh viên có nhu cầu học tiếp lên cao học hoặc đang lựa chọn những cơ hội phù hợp. Qua đó có thể thấy nhu cầu của xã hội với ngành này là rất lớn.
Tuy nhiên thầy Kiên cũng cho rằng, việc lựa chọn được công việc phù hợp, vị trí tốt, lương cao phụ thuộc vào 3 yếu tố chính gồm: kiến thức- kỹ năng-thái độ của người lao động.
"Nếu sinh viên đảm bảo được 3 yếu tố đó cộng thêm một chút may mắn thì sau khi tốt nghiệp dù học ngành nào cũng có thể tìm được một công việc như ý", PGS.TS Trần Trung Kiên nói.
PGS.TS Trần Trung Kiên nhấn mạnh, thí sinh vẫn nên lựa chọn ngành mà mình yêu thích và đã tìm hiểu. Bởi chỉ khi chọn một ngành bản thân thấy thích và phù hợp với năng lực thì mới có thể học tốt và dễ có được thành công trong lương lai.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải cũng cho rằng, dịch COVID-19 nếu có cũng chỉ ảnh hưởng đến thế giới trong thời gian nữa, hiện Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang nỗ lực để ngăn chặn đại dịch, các doanh nghiệp cũng tìm cách chuyển đổi số để khắc phục khó khăn, do đó thí sinh không cần quá lo lắng về việc dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến xu hướng ngành nghề trong thời gian tới, thí sinh nên chọn những ngành mình yêu thích và có thế mạnh.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh trong việc chọn ngành, chọn nghề, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, hiện có rất nhiều trường cao đẳng, đại học để thí sinh lựa chọn. Muốn chọn ngành, chọn trường phù hợp, trước hết, thí sinh cần tự tìm hiểu về sở thích, đam mê, sở trường và nhìn thẳng vào những hạn chế của bản thân.
“Các em nên chọn ngành, nghề mà mình thích trước rồi mới chọn trường. Không chỉ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, mà hầu hết các tỉnh, thành phố đều có các trường cao đẳng, đại học. Trước khi đăng ký, thí sinh nên tìm hiểu trước các thông tin về chất lượng đào tạo, điều kiện học tập và cả vấn đề học phí. Các em nên hỏi cụ thể trường muốn học về học phí toàn khóa vì có trường sẽ tăng học phí theo từng học kỳ, từng năm, nhiều sinh viên, phụ huynh có thể gặp khó khăn về tài chính khi theo học”, thầy Đồng Văn Ngọc đưa ra thời khuyên.
Theo lịch của Bộ GD-ĐT, từ ngày 29/8 đến 17h ngày 5/9, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần bằng hình thức trực tuyến.
Nếu muốn tăng số nguyện vọng xét tuyển so với số đăng ký ban đầu, thí sinh phải đăng ký số nguyện vọng thêm trên phiếu trực tiếp để trường THPT bổ sung thêm vào hệ thống. Đồng thời, thí sinh vẫn phải tự vào hệ thống để đăng kí thêm.
Trước 17h ngày 16/9, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn, kết quả trúng tuyển đợt 1.
Trước 17h ngày 26/9 (tính theo dấu bưu điện), thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học đợt 1.
Bình luận