Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vừa công bố báo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2015. Trong đó, mối quan hệ giữa PVN và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã lộ diện. PVC khiến PVN hứng chịu khoản nợ có khả năng mất trắng lên tới gần 2.100 tỷ đồng.
PVC tạo nợ xấu cho PVN
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2015, những khoản nợ xấu chính của PVN lên tới 6.800 tỷ đồng. Trong đó, riêng nợ xấu của PVN tại PVC lên tới gần 2.100 tỷ đồng. PVN cho rằng đó là “các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày”.
Hồi cuối năm 2014, con số này “chỉ” là 1.793 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa nợ xấu của PVN tại PVC phát sinh thêm hơn 300 tỷ đồng trong năm 2015. PVN không nêu rõ khoản nợ của PVC phát sinh từ những giao dịch nào.
Và khả năng PVN lấy lại toàn bộ khoản nợ này từ PVC là rất thấp vì hiện tại, PVC trong tình trạng khá bê bết. Tại thời điểm cuối quý 2/2016, lỗ lũy kế của PVC là 2.919 tỷ đồng. Trước đó, công ty này đã trải qua thời gian dài thua lỗ triền miên.
Mặc dù PVC sở hữu lượng tiền lên tới 903 tỷ đồng nhưng do nợ dài hạn của công ty quá lớn 2.081 tỷ đồng nên PVC không dễ xoay xở với các khoản nợ của mình, trong đó có khoản nợ khủng tại PVN.
Tuy nhiên, báo cáo của PVC không nêu rõ khoản nợ tại PVN. PVN xác nhận cuối năm 2015, nợ xấu của PVN tại PVC là gần 2.100 tỷ đồng. Trong khi đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2015, PVC ghi nhận tổng nợ phải trả của PVC là 2.687 tỷ đồng. Có thể thấy, số tiền PVC nợ PVN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ của PVC.
Nhưng PVC không giải thích rõ công ty còn nợ PVN bao nhiêu tiền. Trong báo cáo, PVC chỉ cho biết phải trả ngắn hạn PVN là 65 tỷ đồng. Trong đó, số còn phải trả PVN của PVC chủ yếu số tiền bao gồm khoảng 42,2 tỷ đồng tiền PVN hỗ trợ PVC thanh toán cho các nhà thầu của dự án khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp – Tiền Giang.
Có thể thấy, dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, PVC không chỉ thua lỗ nặng mà PVC còn đang gánh nợ khủng.
Nợ xấu chồng chất
Ngoài nợ xấu của PVC, PVN còn có nợ xấu tại nhiều công ty khác. Tổng các khoản nợ xấu chính của PVN lên tới 6.800 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ xấu tương tự tại PVC là phải thu ủy thác đầu tư và phải thu khác tại công ty mẹ với số tiền 2.150 tỷ đồng.
Các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày của PVN tại Tổng công ty dầu Việt Nam – Công ty TNHH MTV và công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất lần lượt là 922 tỷ đồng và 898 tỷ đồng. Thấp nhất là các khoản phải thu và cho vay quá hạn tồn đọng lâu dài tại công ty cổ phần PVI với giá trị 720 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý là nợ xấu của PVN tại PVI. Tới cuối quý 2/2016, PVN sở hữu 35% vốn tại PVI. Phải trả người bán là các đơn vị thành viên trong PVN là 4,9%. Cuối năm 2014, con số này là 71 tỷ đồng. PVI cho biết công ty có đủ khả năng thanh toán các khoản phải trả người bán tại ngày kết thúc kỳ hoạt động.
Tuy nhiên, khoản phải trả PVN trị giá 4,8 tỷ đồng khiêm tốn hơn rất nhiều so với tổng nợ xấu của PVN tại PVI là 720 tỷ đồng. Xét về lý thuyết, PVI đủ khả năng thanh toán nợ cho PVN vì cuối tháng 6/2016, PVI sở hữu lượng tiền lên tới 733 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty là 727 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây là điều khó xảy ra vì hiện tại tổng nợ phải trả của PVI lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Và công ty đang đối mặt với tình trạng kinh doanh sụt giảm.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2016, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của công ty chỉ đạt 45,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 90,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 140 tỷ đồng.
Bình luận