Đã 8 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, giờ lẽ ra là thời điểm phục hồi, nền kinh tế bước vào thời kỳ tăng trưởng mới. Thế nhưng, gần đây, “cơn ác mộng” đã quay trở lại với hệ thống ngân hàng thế giới.
Chỉ trong đầu tháng 10/2016, khá nhiều ông lớn ngân hàng đồng loạt công bố sẽ cắt giảm hàng ngàn nhân sự.
Đầu tiên, Commerzbank (CRZBF), ngân hàng lớn thứ 2 của Đức cho biết đã lên kế hoạch cắt giảm tổng cộng 7.300 nhân sự. Nguyên nhân là do ngân hàng thu hẹp các hoạt động mảng ngân hàng đầu tư và sáp nhập một số bộ phận khác.
Commerzbank cắt giảm nhân sự để giảm chi phí hoạt động. Commerzbank buộc phải tái cấu trúc. Chi phí tái cấu trúc của ngân hàng này ước tính lên tới 1,1 tỷ Euro (tương đương 1,2 tỷ USD). Chi phí này sẽ khiến lợi nhuận 2016 của Commerzbank còn lại rất khiêm tốn. Đó cũng là lý do ngân hàng này quyết định ngừng trả cổ tức.
Commerzbank cho biết, tình hình tài chính của họ chịu ảnh hưởng nặng nề từ các khoản nợ xấu ngành vận tải biển. Trong những năm gần đây, các ngân hàng Đức rót vốn rất nhiều vào lĩnh vực này nhưng ngành vận tải biển thế giới lại gặp khó do nhu cầu yếu, dư thừa tàu và thương mại toàn cầu giảm sút.
Trong ngày 3/10, một ông lớn ngân hàng khác của Đức là Deutsche Bank cũng công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự. Theo đó, ngân hàng này sẽ sa thải 1.000 người lao động ở thị trường nội địa.
Tuy nhiên, kế hoạch này chỉ được thực hiện khi Deutsche Bank có chữ ký của Hội đồng lao động. Hồi tháng 6 năm nay, ngân hàng này cũng đã phải làm việc với Hội đồng lao động về việc sa thải 3.000 nhân viên chính thức, trong đó có 2.500 vị trí khách hàng cá nhân.
“Tin dữ” này được công bố ngay sau khi vào ngày 27/9, cổ phiếu Deutsche Bank (DB) từng xuống thấp nhất hơn 20 năm, do thông tin họ có thể cần đến cứu trợ từ Chính phủ hoặc tiền mặt từ nhà đầu tư.
Đây không phải lần sa thải nhân sự sốc nhất của một trong những ngân hàng lớn nhất nước Đức. Hồi cuối năm 2016, Deutsche Bank khiến cả thế giới sốc khi cắt giảm tới 35.000 nhân sự trên toàn cầu và rút ra khỏi 10 nước.
“Deutsche Bank đang đối ặmt với hai thách thức. Một mặt, ngân hàng phải tăng tỷ lệ vốn, mặt khác phải thay đổi mô hình kinh doanh và cải thiện khả năng sinh lời. Và cuối cùng, một cách cần thiết là cắt giảm chi phí. Và cái gật đầu của hội đồng việc làm là một bước tiến nhỏ” - Daniel Regli, một nhà phân tích tại MainFirst cho biết.
ING Groep NV của Hà Lan cũng ghi tên mình vào danh sách các ông lớn ngân hàng sa thải nhân sự nhiều nhất. Mới đây, một trong những nhà băng lớn nhất Hà Lan tuyên bố sẽ cắt giảm 5.800 người lao động, tương đương 11% tổng số nhân sự trong toàn hệ thống ING Groep NV.
Ngân hàng kỳ vọng sẽ tiết kiệm được 900 triệu Euro (tương đương 1 tỷ USD) một năm nhờ chương trình cắt giảm nhân sự lớn kỷ lục này. Theo kế hoạch, trong tổng số 5.800 người mất việc, 2.300 lao động bị sa thải ở Hà Lan, 3.500 người mất việc ở Bỉ.
Sau khi cắt giảm nhân sự, ngân hàng sẽ dành ngân sách 800 triệu EURO để đầu tư cho công nghệ số. Họ kỳ vọng, công nghệ có thể thay thế được con người phần nào.
“Thật không may, chuyển đổi sang công nghệ số đồng nghĩa với việc việc làm sẽ ít đi. Việc Hà Lan và Bỉ cần làm là ít phụ thuộc hơn và các chi nhánh ngân hàng” – Giám đốc tài chính Patrick Flynn phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên Bloomberg Television.
Cryan, một nhà đầu tư nhận định 2016 sẽ năm “đạt đỉnh” của hoạt động tái cấu trúc ngân hàng. Kết quả là các nhà băng sẽ thất bại trong cuộc tìm kiếm lợi nhuận. Đây là điều đã xảy ra trong năm 2008. Với nhiều ngân hàng, lợi nhuận thậm chí còn bị “xóa sổ” vì chi phí bị đội lên quá cao.
Bình luận