• Zalo

Choáng ngợp trước show diễn về âm nhạc dân tộc trong 'Tâm hồn làng Việt'

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 01/09/2017 12:18:00 +07:00Google News

Ông Nguyễn Văn Bình – Phó Giám đốc Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC đã có những chia sẻ về chương trình nghệ thuật đặc biệt về âm nhạc dân gian Việt Nam mang tên "Tâm hồn làng Việt".

Video: Trailer chương trình "Tâm hồn làng Việt"

Ông Nguyễn Văn Bình – Phó Giám đốc Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC vừa cùng các chuyên gia, nghệ nhân, nghệ sĩ xây dựng xong một chương trình nghệ thuật đặc biệt về âm nhạc dân gian Việt Nam mang tên Tâm hồn làng Việt. Xung quanh chương trình, ông Nguyễn Văn Bình đã có những chia sẻ thú vị.

- Ông và đồng nghiệp vừa thực hiện chương trình nghệ thuật âm nhạc dân gian “Tâm hồn làng Việt”. Ông có thể chia sẻ gì về chương trình?

Đúng như tên gọi của nó Tâm hồn làng Việt là câu chuyện âm nhạc về làng quê, qua đó phản ánh cuộc sống sinh hoạt, lao động của người dân quê đồng bằng Bắc bộ trong suốt một ngày từ sáng sớm đến tối

Show diễn gồm 7 phần nội dung kết nối liền mạch với nhau, mở đầu là Bình minh, sau đó đến Chợ quê, Ngày mùa, Trưa hè, Lao động làng nghề, Thiếu nữ gội đầu và cuối cùng là Hội làng.

Chương trình mở đầu bằng không gian làng quê bình yên, tinh khôi với tiếng côn trùng, tiếng gà gáy sáng, tiếng mõ của mẹ và tiếng rít thuốc lào vang rền của cha. Trong không gian đó, tiếng sáo trúc từng nhịp, từng nhịp trong trẻo, bay bổng vang lên, lúc điệu đà, khi rộn rã theo tiếng chim, tiếng dế.

Sau Bình Minh yên tĩnh, khán giả bất ngờ đến với Chợ quê ồn ào, náo nhiệt, ở đó có tiếng rao của người bán, xen lẫn tiếng dao thớt, xoong nồi, xô chậu được liên kết với nhau tạo thành dàn hợp xướng sinh động, trong đó người đàn ông mù kéo đàn nhị hát xẩm giữ vị trí trung tâm buổi hòa tấu.

Với kết cấu khá độc đáo, show diễn đưa khán giả tới với nhiều cung bặc cảm xúc khác nhau, lúc sâu lắng, da diết, khi từng bừng, náo nhiệt.

anh_1

Hình ảnh trong show diễn "Tâm hồn làng Việt"

- Điểm đặc biệt nhất trong chương trình “Tâm hồn làng Việt” là gì, thưa ông?

Chương trình sử dụng một cách tinh tế cả 4 loại hình âm nhạc dân gian Việt Nam đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của thế giới bao gồm: Ca trù, nhã nhạc cung đình, hát văn thờ mẫu và dân ca quan họ.Các nhạc cụ được sử dụng trong chương trình gồm: đàn bầu, đàn nhị, sáo, trống.

Đặc biệt là các vật dụng bằng tre nứa, xoong nồi, chổi quét nhà cũng xuất hiện trong Tâm hồn làng Việt như một đạo âm nhạc. Rất thú vị. Tâm hồn làng Việt có sự tham gia của hơn 40 nghệ nhân, nghệ sĩ có tên tuổi trong làng âm nhạc dân gian ở Hà Nội.

Decor sân khấu vẽ tay trên chất liệu vải thuần Việt đậm chất dân gian, cổ điển, truyền thống. Chương trình được diễn định kỳ vào các tối 3, 6, 7 tại rạp Hồng Hà với thời lượng 50 phút.

153603-1 3

Ông Nguyễn Văn Bình – Phó Giám đốc Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC 

 
Là một người yêu quý văn hóa dân tộc, đặc biệt là âm nhạc dân gian, tôi rất trăn trở với điều trên.

Ông Nguyễn Văn Bình -Phó Giám đốc Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC 

- Trong đời sống xã hội hiện nay, âm nhạc dân tộc rất khó thu hút khán giả so với các thể loại nhạc hiện đại.. Vì lý do gì ông và các đồng nghiệp lại đầu tư lớn thực hiện chương trình?

Đúng là ở thời điểm hiện tại, âm nhạc dân gian đang bị lép vế trong đời sống xã hội. Các show diễn nhạc trẻ có giá vé từ 1 - 5 triệu/ vé.

Trong khi các chương trình âm nhạc dân gian, giá vé chỉ có vài ba trăm nghìn đồng cũng không có nhiều người xem. Đời sống anh em nghệ sĩ rất khó khăn.

Khán giả, đặc biệt là người trẻ vẫn còn hờ hững với thể loại âm nhạc dân tộc. Một phần theo tôi chúng ta chưa tạo ra cho họ nhiều cơ hội tiếp cận với dòng nhạc này. Vì không biết nên họ không thấy cái hay, cái đẹp của nó và vì thế lại càng trở nên xa lánh.

Chỉ nói riêng ở Hà Nội, sân khấu âm nhạc dân gian rất nghèo nàn, chưa có nhiều sân khấu biểu diễn định kỳ, có cấu tứ hoàn chỉnh để giới thiệu với khán giả. Trong khi đó, khách du lịch tới Việt Nam rất thích tìm hiểu văn hóa Việt, đặc biệt là âm nhạc dân gian nhưng họ không có lựa chọn nào ngoài những hoạt động quen thuộc như đi thăm Bảo tàng Dân tộc học, đi xích lô, xem múa rối…

Các công ty du lịch rất muốn có nhiều hoạt động văn hóa phục vụ du khách của họ nhưng cũng không có. Về phía các cơ quan quản lý, họ cũng muốn có những chương trình hoàn thiện, trọn vẹn, giới thiệu cái hay, cái đẹp về văn hóa để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thu hút du khách, phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng.

Trong khi âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là các sáng tạo dân gian rất tuyệt vời. Nó đã thăng hoa, phát triển trong lịch sử hàng nghìn năm. Khi mang âm nhạc dân gian nước ta ra giới thiệu với bạn bè quốc tế, họ rất thích thú, khâm phục và trân trọng.

Là một người yêu quý văn hóa dân tộc, đặc biệt là âm nhạc dân gian, tôi rất trăn trở với điều trên. Sau một thời gian dài nghiên cứu và tìm tòi, tôi và các cộng sự của mình bắt tay vào xây dựng show diễn âm nhạc Tâm hồn làng Việt để phục vụ những người yêu âm nhạc dân tộc và khách du lịch.

_dsc0322

 

- Sau hơn một năm chuẩn bị, “Tâm hồn làng Việt” đã chạy thử một buổi. Ông nhận thấy phản ứng của khán giả và người làm nghề như thế nào?

Sau buổi chạy thử đó, tôi thấy phản ứng của khán giả, đặc biệt là những người làm chuyên môn rất tích cực. Họ thích thú với một chương trình hoàn toàn dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian nhưng vẫn hiện đại, mới mẻ, gần gũi với công chúng hiện nay.

Đặc biệt, chương trình còn nhận được sự đánh giá cao của Tổng cục Du lịch. Đích thân Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đã tới xem, chụp ảnh lưu niệm cùng các anh em nghệ sĩ. Tổng Cục Du lịch cũng đã quyết định ngay việc ủng hộ chương trình một khoản kinh phí để duy trì, phát triển.

Sự vào cuộc của Tổng cục du lịch chứng tỏ họ rất có trách nhiệm với âm nhạc dân tộc và mong muốn quảng bá nó đến với đông đảo bạn bè, du khách quốc tế.Vào ngày 15/9 tới, Tâm hồn làng Việt sẽ chính thức ra mắt công chúng, khách du lịch và người yêu mến âm nhạc dân tộc có thể đăng ký để tới xem chương trình.

- Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện!

Phúc Hải
Bình luận
vtcnews.vn