• Zalo

Choáng ngợp khoảnh khắc hố đen 'quái vật' xé nát ngôi sao

Khám pháThứ Tư, 14/10/2020 07:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các nhà thiên văn học ghi lại khoảnh khắc hố đen siêu lớn cách Trái đất 215 triệu năm ánh sáng xé nát một ngôi sao.

Hiện tượng này có tên AT2019qiz, là một “sự kiện gián đoạn thủy triều” (TDE). AT2019qiz là thời khắc cận kề với cái chết gần nhất của một ngôi sao mà các nhà thiên văn học từng chứng kiến. 

Ngay trước khi các phần của ngôi sao bị hút vào chân trời sự kiện của hố đen, các nhà khoa học quan sát thấy một tia sáng cực mạnh phát ra từ siêu hố đen cách Trái đất 215 triệu năm ánh sáng. 

AT2019qiz được phát hiện vào tháng 9/2019 và được nhà thiên văn Matt Nicholl của Đại học Birmingham và nhóm của ông quan sát suốt 6 tháng.

Video: Khoảnh khắc hố đen nuốt trọn siêu sao

TDE gần như không thể dự đoán và chỉ được chứng kiến thông qua việc giám sát liên tục cùng với một chút may mắn.

Khi phát hiện thấy tia sáng bùng phát trong lần TDE đặc biệt này, các nhà thiên văn học đã rất nhanh nhạy, hướng hàng loạt kính viễn vọng vào chòm sao Eridanus nơi nó xảy ra. 

"Chúng tôi lập tức hướng 1 bộ kính viễn vọng trên mặt đất và không gian về hướng đó để xem ánh sáng được tạo ra như thế nào", nhà thiên văn học Thomas Wevers tại Đại học Cambridge cho hay. 

Dựa vào quan sát, các nhà nghiên cứu xác định ngôi sao bị "ăn thịt" có khối lượng gần bằng Mặt trời và mất một nửa khối lượng khi bị hút vào hố đen nặng gấp nó khoảng 1 triệu lần. 

AT2019qiz cũng là sự kiện đầu tiên cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của luồng khí thoát ra khi hố đen nhấm nháp 1 ngôi sao - điều trước nay mới chỉ được nêu ra trên giả thiết. 

Trong AT2019qiz, hố đen đã phóng ra những tia bụi cực mạnh ra bên ngoài với vận tốc lên tới 10.000 km/s khi nó đang ăn ngôi sao. 

Diệu Hoa(Nguồn: RT)
Bình luận
vtcnews.vn