Giải tỏa lo lắng về ý kiến cho rằng chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100 của Chính phủ là “ai nhanh tay thì được vay", ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) khẳng định, đây là chương trình tín dụng dài hạn nên đối tượng thụ hưởng đã đăng ký, đủ thủ tục sẽ được vay vốn.
Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CPngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển quản lý nhà ở xã hội đã được NHCSXH triển khai được hơn 5 tháng và đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Trao đổi với báo chí xung quanh việc triển khai chương trình này, ông Lý cho biết, nếu như gói vay hỗ trợ mua nhà dành cho người nghèo, người thu nhập thấp chỉ có số tiền giải ngân nhất định, thời hạn giải ngân nhất định, người thụ hưởng phải “nhanh chân, nhanh tay” đăng ký để được thụ hưởng, thì chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 là chương trình triển khai dài hơi, năm này qua năm khác.
“Có người lo ngại rằng nếu làm thủ tục vay vốn theo Nghị định 100 rồi mà không giải ngân được thì sẽ bị bỏ qua vì. Chúng tôi xin khẳng định hoàn toàn không có chuyện đó mà đây là chương trình tín dụng triển khai dài hạn, năm này gối đầu sang năm khác” , ông Lý nhấn mạnh.
Theo ông Lý, để triển khai chương trình cho vay theo Nghị định 100, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn đến năm 2020 là 2.316 tỷ đồng, riêng năm 2018, Chính phủ bố trí 1.000 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2018, NHCSXH đã triển khai sâu rộng chương trình tới tận các thị xã, thành phố trên cả nước và đã có 50 tỉnh, thành phố có dư nợ 200 tỷ đồng với trên 700 khách hàng được vay.
Trong đó, các tỉnh có dư nợ cao là Quảng Nam (gần 32 tỷ đồng), Đà Nẵng (21 tỷ đồng), Bắc Ninh (15 tỷ đồng), Bắc Giang (12 tỷ đồng), Hưng Yên (9 tỷ đồng), Quảng Bình (8,5 tỷ đồng), Quảng Trị (7,2 tỷ đồng), Thanh Hóa (7 tỷ đồng)...
Dự kiến những tháng còn lại của năm 2018, NHCSXH căn bản sẽ thực hiện nốt số vốn còn lại để đạt chỉ tiêu giải ngân 1.000 tỷ đồng trong năm.
Cũng theo ông Lý, tiến độ giải ngân như trên là phù hợp và về căn bản sẽ giải ngân xong theo kế hoạch. NHCSXH rất muốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhưng phải cân nhắc nhiều mặt, vì nếu cho vay nhanh dễ xảy ra sai sót, dễ sai đối tượng. Việc triển khai cho vay phải nhằm bảo đảm chương trình thực sự giải quyết được vấn đề nhà ở cho người dân.
Video: 'Đại gia' mua Nhà ở xã hội, cướp đi cơ hội của người nghèo
Những đối tượng vay vốn thuộc quy định của Chính phủ chắc chắn sẽ được vay vốn tại NHCSXH. Nếu những hồ sơ có bị chậm chủ yếu là do còn thiếu giấy tờ hoặc hồ sơ không đúng đối tượng.
Còn khi đã chính thức tiếp nhận hồ sơ đặt bút ký thì NHCSXH hội phải có trách nhiệm trong điều hành kế hoạch vốn để giải ngân theo hợp đồng đó. Điều hành kế hoạch vốn cho phù hợp là việc của ngân hàng, người vay vốn sẽ không gặp vấn đề gì trong quá trình giải ngân.
Về việc bố trí nguồn vốn cho vay chương trình nhà ở xã hội trước dự báo nhu cầu vay sẽ tăng cao, ông Nguyễn Văn Lý cho biết, Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch tạm thời đến năm 2021.
Theo đó, nhu cầu vốn ước khoảng 18.000 tỷ đồng. Và mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí bổ sung nguồn vốn này thêm khoảng 3.000 tỷ đồng. NHCSXH cũng mong Quốc hội quan tâm bố trí để NHCSXH có vốn tập trung cho người nghèo đô thị vay, đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp.
Bình luận