Câu chuyện tranh chấp khoảng đất chỉ 2m2 giữa hai gia đình ông Nguyễn Vũ Hậu, số nhà 591 và gia đình ông Trần Sâm ở số nhà 589 Thụy Khuê đã nhiều năm nay nhưng chưa có hồi kết.
Sáng 05/08/2016, UBND phường Bưởi đã tổ chức cưỡng chế phá dỡ phần mái nhựa trên khoảng không chỉ 2m2 này do gia đình ông Nguyễn Vũ Hậu tự lợp.
Phần mái che được phá bỏ là một phần trong toàn bộ mảng mái che trên sân thượng được ông Hậu sửa lại từ mái ngói đã có hàng chục năm nay bằng tôn nhựa.
Ở tầng 1 phía dưới khoảng không gian này lại là công trình phụ của số nhà 589 bên cạnh. Đáng chú ý, phần đất này lại nằm gọn trong lòng nhà của số nhà 591 của gia đình ông Hậu.
Trước đó, ngày 10/05/2016, Đội Thanh tra xây dựng quận Tây Hồ đã lập Biên bản đối với việc gia đình ông Hậu tự ý quây lưới B40 phần không gian tầng 2, tầng 3 trên phần diện tích đất nói trên.
Ngay sau đó, ông Hậu đã tự nguyện phá bỏ hàng rào lưới B40 này mặc dù ông cho rằng việc quây lưới là làm trên đất và khoảng không của gia đình từ nhiều năm trước để đảm bảo an toàn, an ninh cho cả hai gia đình và không hề ảnh hưởng đến gia đình nào khác.
Rắc rối từ chuyện cho thuê nhà
Theo trần tình của ông Nguyễn Vũ Hậu, nhà đất tại địa chỉ số 589 đường Thụy Khuê nói trên đã xảy ra tranh chấp nhiều năm nay giữa Nguyên đơn là bà Vũ Thị Nguyệt Thu, Bị đơn là ông Trần Sâm (chủ nhà hiện tại của số nhà 589) và đã được nhiều cấp xét xử giải quyết.
Nguồn gốc căn nhà này là của ông Vũ Duy Tốn (sinh năm 1901, mất năm 1978 – bố đẻ của bà Vũ Thị Nguyệt Thu), trong khi nguồn gốc nhà đất số 591 thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Hậu hiện nay do bố mẹ ông Hậu là ông Nguyễn Văn Khang để lại có giấy tờ sở hữu từ năm 1956 do Ủy ban Hành chính TP Hà Nội cấp.
Khoảng năm 1957, theo đề nghị của ông Vũ Duy Tốn, ông Nguyễn Văn Khang đã cho gia đình ông Tốn mượn 02 m2 đất để làm bếp. Năm 1960, gia đình ông Tốn lại cho gia đình ông Trần Văn Đán (ông nội của ông Trần Sâm, hiện là bị đơn trong vụ kiện hiện tại) thuê nhà.
Tuy nhiên, sau đó gia đình ông Đán đã vi phạm hợp đồng, không trả tiền thuê nhà cũng như không chịu trả nhà. Gia đình ông Tốn cùng các con cháu sau này đã nhiều lần khởi kiện đòi nhà cho đến hiện tại.
Gần đây nhất, vụ án được giải quyết lại ở cấp sơ thẩm tại TAND TP Hà Nội. Trong quá trình chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, do các bên đương sự thỏa thuận được với nhau nên ngày 28/04/2016, TAND TP Hà Nội đã ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 07/2016/QĐST-DS.
Trong khi đó, vì tin tưởng sau khi đòi được nhà thì bà Vũ Thị Nguyệt Thu sẽ trả lại cho mình 2m2 đất để chấm dứt tình trạng “nhà vệ sinh của hàng xóm nằm trong lòng nhà mình”. Thế nhưng ông Nguyễn Vũ Hậu lại không thể ngờ kết quả lại là ông bị mất luôn phần đất mà cha ông đã cho mượn.
“Quá trình đi đòi nhà đất, bà Vũ Thị Nguyệt Thu và gia đình bà luôn cam kết với gia đình tôi là sẽ trả lại gia đình tôi 02 mét vuông bố mẹ bà đã mượn của bố mẹ tôi trước đây. Điều này cũng phù hợp với ý nguyện của cụ Vũ Duy Tốn là mong sớm trả lại diện tích đã mượn và bố mẹ tôi cũng mong nhận lại diện tích cho mượn đó.
Trước đó tôi và bà Thu có lập Giấy xác nhận ngày 28/6/2014 về phần diện tích 2m2 do bố mẹ tôi cho cụ Vũ Duy Tốn mượn và được bà Thu ghi nhận là đã nộp cho Tòa án để xem xét giải quyết,” ông Nguyễn Vũ Hậu nói.
“Ngày 14/3/2016 tôi đã gửi Bản giải trình về nhà đất của gia đình kèm theo Bản vẽ minh họa đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Thêm vào đó, trong Đơn trình bày về việc đòi nhà đất do bà Thu lập ngày 15/4/2016 và gửi cho Thẩm phán Nguyễn Thị Tuyết Lan (là người được TAND TP Hà Nội phân công giải quyết vụ án) tiếp tục khẳng định phần diện tích 2 m2 do bố mẹ tôi cho các cụ thân sinh của bà Thu mượn”.
Những khuất tất về mặt pháp lý
Có mặt tại hiện trường khi tổ công tác tiến hành cưỡng chế, PV Infonet đã tìm hiểu thông tin từ phía ông Hoa Xuân Thuận – Phó Chủ tịch UBND phường Bưởi, người trực tiếp chỉ đạo việc cưỡng chế. Tuy nhiên, ông Thuận từ chối cung cấp thông tin cho PV ngoài việc cho biết UBND phường chỉ cưỡng chế đối với việc vi phạm trong xây dựng của gia đình ông Hậu và từ chối cho PV tiếp cận hiện trường cưỡng chế.
Theo Luật sư Bùi Xuân Hiếu, Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, có hai vấn đề cần xem xét trong trường hợp này. Thứ nhất, Khoản 4 Điều 56 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 qui định: “ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong vụ án này, rõ ràng ông Nguyễn Vũ Hậu là người có quyền lợi liên quan đến việc giải quyết vụ án. Bản thân ông Hậu đã tự mình (trực tiếp và gián tiếp) đề nghị Tòa án nhưng không được xem xét.
Việc TAND thành phố Hà Nội không đưa ông Hậu vào tham gia giải quyết vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Hậu.
Do vậy, Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 07/2016/QĐST-DS ngày 28/4/2016 của TAND Tp Hà Nội sẽ phải được xem xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm để hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận trên.
Ông Nguyễn Vũ Hậu cho biết, ngày 25/4/2016, ông đã nộp Đơn và hồ sơ đề nghị hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự này đến Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Sau khi xem xét thấy có căn cứ, VKSND cấp cao và TAND cấp cao đã chấp nhận tiếp nhận Đơn để giải quyết theo quy trình của thủ tục Giám đốc thẩm.
Video: Bắt tạm giam chủ tịch CTCP Tập đoàn đầu tư nhà đất
Bình luận