“Chúng tôi đã làm danh sách này gần 20 năm, nhưng chưa có năm nào như thế này. Một năm của nhiều khủng hoảng trên khắp thế giới, tất cả xảy ra cùng một lúc”, ban biên tập Time cho biết.
Với đại dịch COVID-19 "phủ bóng" toàn cầu, danh sách của Time có số lượng lớn các bác sĩ, y tá và nhà khoa học. Các chính trị gia được đưa vào danh sách cũng gắn với câu chuyện chiến đấu chống dịch.
Chính trị gia thế giới
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn là một trong số 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng năm 2020 được tạp chí Time bình chọn. Theo mô tả được đăng trên trang web công bố danh sách, trích lời Thượng nghị sĩ Mỹ đảng Cộng hòa Ted Cruz, bà Thái được nhắc đến với quá trình phản ứng với dịch bệnh của Đài Loan và chủ trương cứng rắn với Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được nhắc đến với chiến dịch chống tham nhũng, các vấn đề gây tranh cãi như người Duy Ngô Nhĩ, các cuộc biểu tình Hong Kong và công nghệ giám sát xã hội mạnh mẽ. Ông Tập được cho là sẽ phải đối mặt với những khó khăn sắp tới bao gồm lực lượng lao động trong nước ngày càng bị thu hẹp và già hóa, chi phí của Sáng kiến Vành đai và Con đường, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lên kinh tế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel được Time đánh giá là một “chính trị gia đặc biệt”, có tầm nhìn xa và một nhà đàm phán cứng rắn, thể hiện qua các khủng hoảng tài chính, khủng hoảng đồng euro và COVID-19. “Mọi người trên khắp thế giới biết rằng họ có thể tin Angela, nhất là khi có bão”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen nhận định.
Tổng thống Jair Bolsonaro nổi bật với câu chuyện COVID-19 ở Brazil. Đây được cho là giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong 40 năm của nước này. Ít nhất 5 bộ trưởng đã bị sa thải khỏi nội các. Hơn 29.000 đám cháy rừng ở rừng rậm Amazon chỉ trong tháng 8/2020.
Ủy viên Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc, Jung Eun-kyeong, lọt vào danh sách với những ảnh hưởng trong quá trình phản ứng với đại dịch của Hàn Quốc. Cách Hàn Quốc chiến đấu với COVID-19, nổi bật với các xét nghiệm nhanh số lượng lớn, đã được thế giới đánh giá cao. Bà Jung đã dẫn dắt các hoạt động chống dịch ở Hàn Quốc dựa trên nguyên tắc “cởi mở, minh bạch và dân chủ”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được nhắc đến là nhà lãnh đạo đã điều hành đất nước của hơn 1,3 tỉ dân với nhiều tôn giáo khác nhau, từ Thiên chúa giáo, đạo Hồi, đạo Phật, Sikhs và các nhánh tôn giáo khác.
Chính trị gia Mỹ
Nhà miễn dịch học, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, là một cái tên nổi bật xuất hiện trong danh sách.
Phần mô tả viết: “Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan đến Mỹ, có một người mà hàng triệu người Mỹ ngay lập tức biết rằng có thể tìm đến để được hướng dẫn: Tiến sĩ Anthony Fauci. Là giám đốc của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, Tiến sĩ Fauci đã cố vấn cho 6 vị Tổng thống trong hơn 36 năm. Khi COVID-19 hoành hành, ông là một trong những người đầu tiên bước lên phía trước với sự thật và chỉ sự thật. Tiến sĩ Fauci không "bọc đường" lời nói của mình và từ chối bị áp lực bởi các chính trị gia.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục nằm trong danh sách, với những tác động “thay đổi Washington”. Các vấn đề được nhắc đến có liên quan đến ông Trump bao gồm việc ông thay đổi các quy định môi trường, cách ứng phó với đại dịch COVID-19, các tranh cãi phân biệt chủng tộc và các thỏa thuận hòa bình ở Trung Đông. Lựa chọn sắp tới của ông đối với vị trí thẩm phán tòa án tối cao cũng thu hút sự chú ý.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, người trở thành chủ tịch hạ viện trong hoàn cảnh nước Mỹ đối mặt với nhiều khủng hoảng, được ca ngợi là một nhà đàm phán huyền thoại. Các đóng góp của bà được nhắc đến là thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico-Canada, đạo luật CARES cứu trợ trong đại dịch để giúp những người Mỹ bình thường, chứ không chỉ những người giàu và nhiều quan hệ. Bà cũng được cho là đã đoàn kết Hạ viện Dân chủ vốn chia rẽ để giải quyết các công việc.
Hai ứng viên đại diện tranh cử tổng thống và phó tổng thống của đảng Dân chủ, Joe Biden và Kamala Harris cũng nằm trong danh sách. Trong đó, Joe Biden, được nhắc đến với hình ảnh một chính trị gia “hiểu khó khăn, hiểu sự thất vọng, hiểu sự hy sinh và những phút mãn nguyện” giống như người Mỹ. Còn Kamala Harris là phụ nữ da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Ấn đầu tiên được đề cử tranh cử phó tổng thống. “Việc Kamala được đề cử chính là hiện thực hóa giấc mơ nhiều người đã đấu tranh từ rất lâu để đạt được”.
Bình luận