Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương Shamshad Akhtar, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á Lê Lương Minh, các Bộ trưởng các nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, đại diện đối tác phát triển của khu vực Mekong, lãnh đạo Diễn đàn Kinh tế thế giới, đại sứ, đại biện, Trưởng văn phòng đại diện, tập đoàn, doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau hơn một thập kỷ hoạt động, Hợp tác CLMV và ACMECS đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp, hòa bì nh và ổn định ở khu vực.
Các nước Mekong đã trở thành động lực quan trọng của kinh tế Đông Nam Á và được đánh giá là một trong những khu vực tăng trưởng năng động hàng đầu trên thế giới.
Trước những cơ hội phát triển thuận lợi cho sự phát triển của CLMV và ACMECS, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các Hội nghị lần này sẽ cùng thảo luận về môi trường phát triển mới và thống nhất các nội dung và biện pháp hợp tác để xây dựng một khu vực kinh tế năng động, cạnh tranh, phát triển bền vững và bao trùm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng hợp tác CLMV và ACMECS, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên cũng như các đối tác phát triển, vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung của khu vực.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen nhấn mạnh, Hội nghị ACMECS lần thứ 7 và CLMV lần thứ 8 , một lần nữa khẳng định sự quyết tâm củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống láng giềng tốt đẹp, mang lại lợi ích cho nhau giữa các quốc gia và toàn thể người dân các nước.
Việc thúc đẩy hợp tác trong cả hai khuôn khổ này không những chỉ rõ tầm quan trọng mà các nước thành viên đề ra trong Chiến lược hợp tác tiểu vùng mà còn đóng góp vào sự kết nối của ASEAN cũng như củng cố việc xây dựng cộng đồng ASEAN; đặc biệt là việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, nâng cao phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống cho người dân.
Đánh giá cao thành công của hợp tác trong khuôn khổ ACMECS và CLMV trong thời gian gần đây, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết, những thành quả các nước thành viên đạt được trong hội n hập khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước CLMV với các nước ASEAN. Việc hội nhập của các nước CLMV với khu vực và thế giới đều mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân trong khu vực.
Để đối phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho rằng, các nước cần tăng cường hợp tác trong khuôn khổ CLMV nhằm tăng cường hợp lực, nâng cao hiệu quả hợp tác. Sự đóng góp của khối kinh tế tư nhân cũng là động lực quan trọng để hỗ trợ các nước thực hiện được những mục tiêu hợp tác, phát triển và hội nhập.
Cho rằng các nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực phát triển, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw nhấn mạnh, không một quốc gia nào tự mình có thể vượt qua được. Thống nhất chính là sức mạnh để vượt qua những thách thức mà mỗi quốc gia không thể tự mình giải quyết được. Các nước cần tăng cường hợp tác, đó là nhân tố hết sức quan trọng để có thể ứng phó với những biến đổi đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu.
Cũng theo Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, các nước không nên tạo ra phức tạp trong quá trình hợp tác, không nên chồng lấn hoặc lặp lại các cơ chế hợp tác vì điều này sẽ gây lãng phí thời gian và công sức của các quốc gia cũng như gây lãng phí nguồn lực tài trợ.
Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak đánh giá hội nghị ACMECS và CLMV là hai cơ chế hợp tác rất quan trọng trong ASEAN. Những hội nghị như ACMECS, CLMV đã phản ánh sự năng động của nền kinh tế toàn cầu và những diễn đàn đa phương. Đây là minh chứng cho thấy khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực mới nổi lên và có tầm quan trọng, ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh, hợp tác trong trong tiểu vùng khu vực Mekong đóng vai trò hết sức quan trọng trong hợp tác khu vực ASEAN, thúc đẩy phát triển bao trùm và thực hiện cam kết trong khu vực.
Với việc trở thành Cộng đồng, ASEAN đã trở thành một cộng đồng, nền kinh tế lớn thứ 6 và thị trường đứng thứ 3 trên thế giới. Để thực hiện tầm nhìn ASEAN thì ASEAN cần nhận được sự đóng góp ở cấp độ quốc gia, khu vực và cơ chế CLMV là thành tố không thể thiếu không trong hội nhập khu vực nhằm mục đích xây dựng một cộng đồng hướng tới con người vì con người, pháp quyền ở đó người dân có mức sống cao hơn.
Đánh giá cao sự phát của các nước trong khu vực Mekong, bà Shamshad Akhtar , Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng, khu vực Mekong đã định hình và giành được vị thế trong khu vực và trên thế giới với sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, trong đó có tốc độ xóa đói giảm nghèo rất ấn tượng.
Triển vọng tăng trưởng và phát triển khu vực Mekong rất thuận lợi từ 6-8,5%/năm trong năm nay và được hỗ trợ bởi thu hút đầu tư nước ngoài. CLMV là một phần không thể thiếu của ASEAN cũng như là các cơ chế có liên quan. Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hợp tác với khu vực Mekong hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại, đầu tư trong khu vực Mekong thời gian tới, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Chính phủ các nước trong khu vực cần đẩy mạnh cải cách hành chính, thể chế, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.
Các tập đoàn xuyên quốc gia, các đối tác phát triển hãy hợp tác với chính phủ trong khu vực, dành nhiều nguồn lực hơn trong chương trình nâng cao năng lực và khả năng kết nối của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa trong khu vực nông nghiệp và nông thôn, để các doanh nghiệp này không bị tụt lại trong quá trình phát triển.
Đề xuất những giải pháp hợp tác giữa Ngân hàng Phát triển châu Á với hai khuôn khổ CLMV và ACMECS thời gian tới, Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước thuộc khu vực CLMV trong việc thu hẹp khoảng cách hạ tầng cơ sở, đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, đầu tư cơ sở mềm trong đó có cả vấn đề về chính sách, thể chế, tạo thuận lợi việc di chuyển về giao thông và thương mại, thiết lập thị trường năng lượng và công nghệ thông tin.
Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ hợp tác với các nước CLMV và ACMECS tạo hàng hóa công cộng chung, chống lại dịch bệnh, lan tràn và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bình luận