• Zalo

Chính phủ xin giãn lộ trình tăng lương

Kinh tếThứ Ba, 23/10/2012 07:48:00 +07:00Google News

Báo cáo trước Quốc hội chiều 22/10, Chính phủ cho biết chưa thể cân đối đủ nguồn để bố trí 60.000 tỷ đồng tăng lương tối thiểu từ tháng 5 năm sau.

Báo cáo trước Quốc hội chiều 22/10, Chính phủ cho biết chưa thể cân đối đủ nguồn để bố trí 60.000 tỷ đồng tăng lương tối thiểu lên 1,3 triệu đồng từ tháng 5 năm sau.

Đã thành thông lệ, cứ vào kỳ họp Quốc hội cuối năm, Chính phủ thường đề xuất lộ trình tăng lương áp dụng từ ngày 1/5 của năm kế tiếp. Tuy nhiên, trong báo cáo dự toán ngân sách 2013 trình bày chiều 22/10, Chính phủ cho biết khả năng cân đối ngân sách cho năm tới rất khó khăn, chỉ đủ bố trí 28.900 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu 1,05 triệu đồng (đã tăng từ 1/5/2012), chứ chưa có nguồn để tăng thêm theo lộ trình.

Theo tính toán của Chính phủ, nếu thực hiện tăng lương lên 1,3 triệu đồng và nâng phụ cấp công vụ từ 25% lên 30% từ 1/5/2013, ngân sách nhà nước cần bố trí khoảng 60.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ được Chính phủ ủy quyền báo cáo trước Quốc hội về tình hình thu chi ngân sách năm 2012 và dự toán cho năm tới. Ảnh: Hoàng Hà 
“Do khả năng cân đối ngân sách khó khăn, chưa bố trí được nguồn để thực hiện cải cách tiền lương năm 2013, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về khả năng cải cách tiền lương năm 2013 tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIII, tháng 5/2013”, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong báo cáo trình bày theo ủy quyền của Chính phủ.

Khả năng khó tăng lương đã được Chính phủ đề cập từ trước, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ hôm 16/10 và được Ủy ban Tài chính Ngân sách ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc thật kỹ, trong trường hợp không thể điều tiết chi cho các mục tiêu khác, mới tính tới việc lùi lộ trình tăng lương.

Trao đổi với báo chíbên hành lang Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ cần thời gian để cân đối thu chi cả năm nay và diễn biến những tháng đầu năm sau, mới có thể quyết định có bố trí đủ nguồn cho tăng lương hay không. Bởi trên thực tế thu chi ngân sách năm nay rất khó khăn, đặc biệt là thu nội địa và xuất nhập khẩu. Trong khi đó, khả năng nhiều địa phương không đạt dự toán thu năm nay.

"Ai cũng mong muốn tăng lương để cải thiện đời sống của công chức và người lao động. Không phải Chính phủ khẳng định không tăng, mà vì thu chi ngân sách khó khăn, nên trước mắt chỉ báo cáo với Quốc hội là chưa bố trí được, đề nghị giãn tiến độ, chưa thực hiện ngay. Đến khi nào khi nào cân đối được ngân sách, có nguồn để chi, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội cho triển khai ngay", Phó thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Chính phủ, khả năng hoàn thành dự toán thu năm nay là rất khó khăn, khi mà 9 tháng đầu năm nay, tiến độ thu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ đạt 740.500 tỷ đồng, tương đương 67,3% dự toán. Trong 63 tỉnh thành cả nước, có 28 địa phương thu không đạt dự toán (14 địa phương hụt thu dưới 10%, 10 địa phương hụt thu từ 10-20% dự toán, 4 địa phương hụt trên 20% dự toán). Nguyên nhân được chỉ ra là sản xuất kinh doanh khó khăn, tăng trưởng GDP và xuất nhập khẩu không đạt kế hoạch. Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng phải dành 20.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay cho việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp ngân sách để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Điểm sáng hiếm hoi trong dự toán ngân sách 9 tháng đầu năm là thu từ dầu thô, ước 9 tháng thu 87.000 tỷ đồng, bằng 99,6% kế hoạch. Nhiều khả năng cả năm nay, dầu thô sẽ đóng góp 112.000 đồng cho ngân sách, tăng 25.000 tỷ đồng so với dự toán. Nguyên nhân chính khiến thu từ dầu thô vượt xa dự toán là sản lượng và giá đều tăng, trong đó sản lượng năm nay ước đạt 14,75 triệu tấn, tăng 700.000 tấn so với dự toán; và giá đạt 108 USD một thùng, tăng 23 USD so với dự toán.

Tuy nhiên, các nguồn thu quan trọng khác đang rất khó khăn, trong đó thu nội địa 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 494.600 tỷ đồng, tương đương 63,8% (cùng kỳ 3 năm về trước tiến độ thu thường đạt trên 75% thậm chí tới 82%). Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu còn thấp hơn, chỉ đạt 153.900 tỷ đồng, bằng 58,9% dự toán. Ước cả năm nay, thu từ mảng này chỉ đạt 146.000 tỷ đồng, giảm 7.900 tỷ đồng so với dự toán.

Dẫu vậy, Chính phủ cho biết bội chi ngân sách sẽ vẫn đảm bảo giữ ở mức 4,8% như dự toán để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. 9 tháng đầu năm nay, bội chi ngân sách ước tính khoảng 140.200 tỷ đồng, bằng 87,2% so với dự toán.

Dự toán ngân sách nhà nước 2013:

- Dự toán thu nội địa: 545.500 tỷ đồng

- Dự toán thu từ dầu thô: 99.000 tỷ đồng

- Thu cân đối từ xuất nhập khẩu: 157.500 tỷ đồng

- Thu viện trợ: 5.000 tỷ đồng

- Dự kiến tổng chi cân đối ngân sách: 969.000 tỷ đồng. Trong đó chi cho đầu tư phát triển 180.000 tỷ đồng; chi trả nợ và viện trợ: 105.000 tỷ đồng; dự toán chi thường xuyên 660.500 tỷ đồng (chưa bao gồm việc tăng lương tối thiểu lên 1,3 triệu đồng)

- Dự toán dự phòng chi ngân sách nhà nước: 23.400 tỷ đồng

- Bội chi ngân sách: 162.000 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP.

Theo VnExpress

Bình luận
vtcnews.vn