• Zalo

Chính phủ vay tiền dân thế nào trong 2 cuộc kháng chiến?

Kinh tếThứ Tư, 19/07/2017 09:12:00 +07:00Google News

Trong kháng chiến, Chính phủ nhiều lần phát hành công thải, công phiếu, công trái... để huy động tiền của từ nhân dân.

Cách đây vài ngày, Bộ Tài chính có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc trả nợ các khoản vay người dân trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Việc chi trả những khoản vay này trước đó đã được tiến hành nhiều lần suốt từ những năm cuối của thập niên 90.   

Chính phủ bắt đầu thực hiện chính sách vay dân bằng hình thức phát hành công trái từ tháng 7/1946 với đợt đầu tiên ở Nam Bộ với tên gọi là công thải.

Giá trị của đợt phát hành này chỉ 5 triệu đồng với lãi suất 5% một năm. Bộ Tài chính nhận định, tuy số lượng tiền phát hành chưa lớn nhưng có ý nghĩa mở đầu cho quá trình thực hiện chủ trương phát hành công trái của Chính phủ nhằm tạo ra nguồn lực tài chính, phục vụ cho công cuộc kiến quốc. 

cong-phieu-khang-chien-2595-1500364664

 Hình ảnh công phiếu, công trái quốc gia được Chính phủ phát hành trong những năm kháng chiến. 

Công thải Nam Bộ khi đó quy định có ba loại 100 đồng, 500 đồng, và 1.000 đồng. Tuy nhiên, thực tế chỉ phát hành có một loại 100 đồng, bán bằng tiền Đông Dương trong các năm 1947 và 1948 ở Nam bộ.

Công thải Nam Bộ không có phiếu lãi, không ghi tên, không ghi năm mua và nơi mua. Vì vậy khi thanh toán, các Khu, Sở Ty Tài chính sẽ căn cứ vào lời khai của chủ phiếu để tính trả. Lời khai phải ghi rõ năm mua phiếu và phải có chứng nhận của cấp phụ trách chính quyền nơi bán phiếu để có thể lấy một trong các chứng nhận đó. 

Sau công thải Nam Bộ, Chính phủ đã nhiều lần phát hành công trái trên phạm vi rộng hơn. Năm 1948, Chính phủ phát hành 500 triệu đồng bạc công phiếu kháng chiến. Trong Sắc lệnh về nội dung này được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký khi đó nêu rõ, đợt phát hành nhằm 2 mục đích.

Một là huy động số tiền nhàn rỗi trong dân để phục vụ sản xuất và chiến đấu, và hai là dùng công phiếu kháng chiến như một thứ tiền dự trữ với lãi suất 3%, thời hạn trả lãi 5 năm.  

Sắc lệnh cũng nêu rõ những "khái niệm" đầu tiên về loại hình huy động còn mới mẻ này: “Trong những trường hợp và theo những thể thức do Bộ Tài chính ấn định, công phiếu kháng chiến sẽ lưu hành và có giá trị như giấy bạc, theo đúng sổ tiết ghi ở trên phiếu. Công phiếu kháng chiến cũng được miễn tất cả các thứ thuế hiện có hoặc sẽ đặt ra, kể cả thuế trước bạ mỗi khi chuyển dịch”. 

Sắc lệnh cũng giao Bộ trưởng Tài chính đảm nhiệm việc phát hành công phiếu kháng chiến và cơ quan này đã cùng các địa phương tổ chức triển khai công phiếu kháng chiến trên toàn quốc. Các văn bản sau đó của Chính phủ được ban hành đã ấn định nguyên tắc và hướng dẫn chi tiết hơn phát hành loại giấy tờ đặc biệt này. 

Đến tháng 9/1950, trên tinh thần tổng động viên, Chính phủ cho phép phát hành loại công trái quốc gia có giá trị ghi bằng thóc, với lãi suất 3%, có thời hạn 5 năm. Tổng số phát hành khi đó là 100.000 tấn thóc. 

khang-chien-2-8763-1500392211

 Trong suốt 2 cuộc kháng chiến, Chính phủ đã phát hành nhiều loại công phiếu có giá trị quy đổi thành tiền, thóc, thậm chí là vàng.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến, Chính phủ đã phát hành công phiếu kháng chiến trong các năm 1948, 1949, 1950, 1951, 1952, công trái quốc gia năm 1951, công thải Nam Bộ năm 1947, 1948; công phiếu nuôi quân năm 1964.

Ngoài các hình thức nói trên, những khoản vay khác (tiền hoặc lương thực) do các cơ quan chính quyền từ cấp huyện trở lên vay theo lệnh của cấp trên để mua sắm vũ khí, nuôi quân đánh giặc... cũng được tính vào khoản nợ với người dân. Việc thanh toán các khoản nợ cũng được Chính phủ tiến hành một số lần trong suốt thời kỳ kháng chiến. 

Cụ thể, từ cuối năm 1958, Thủ tướng đã ban hành chủ trương cho quy vốn mua công thải, công phiếu kháng chiến theo giá vàng ở Nam Bộ lúc mua và lấy giá vàng chính thức khi đó ở miền Bắc để thanh toán. Cơ quan quản lý giải thích việc thanh toán theo giá vàng mà không phải giá thóc nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân. Những văn bản sau đó cũng quy định cụ thể nguyên tắc, cách thức thanh toán.

Khi đó, trong Thông tư hướng dẫn, Bộ Tài chính cũng nêu rõ, đối với những số tiền lớn, chủ phiếu sẽ được trả trước một phần nhưng cần có kế hoạch giúp đỡ chi tiêu vào những việc có lợi ích thiết thực. Số tiền còn lại sẽ xét trả dần tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của mỗi chủ phiếu. Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành sẽ xét cụ thể kế hoạch chi tiêu và hoàn cảnh của chủ phiếu để đưa ra quyết định. 

Bộ Tài chính cũng bổ sung thêm thể thức thanh toán. Theo đó, chủ phiếu sẽ được nhận trước một phần tiền mới, số tiền còn lại, cơ quan tài chính sẽ chuyển sang chi nhánh ngân hàng để gửi vào tiểu khoản “tiền gửi đặc biệt” về công phiếu kháng chiến và công thải Nam Bộ.

"Tiền gửi đặc biệt" sẽ đứng tên chủ phiếu, được tính lãi và chịu sự quản lý theo thể lệ chung của Nhà nước. Ở thời điểm đó, do mới triển khai việc chi trả nên Chính phủ, cơ quan quản lý đã phải ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn cũng như giải quyết những vướng mắc trong quá trình thanh toán cho người dân. 

Video: Xúc động nghe lại 'Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến' của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài nhiều năm sau đó nên việc thanh toán dù chưa hoàn tất nhưng bị gián đoạn cho đến năm 1979 khi Hội đồng Bộ trưởng có Chỉ thị về việc tiếp tục chi trả. Khi đó, một số địa phương đã tiến hành chi trả, tuy nhiên, do vấn đề phức tạp, việc hướng dẫn lại chưa rõ ràng nên thực hiện còn nhiều lúng túng.

Một số địa phương đã thanh toán cả những khoản dân đóng góp để làm nghĩa vụ công dân, những khoản lạc quyên do chính quyền, đoàn thể ở cơ sở tự tổ chức để ủng hộ kháng chiến, uý lạo bộ đội. Nhiều địa phương khoán trắng cho ban thanh toán nợ dân và đã để xảy ra những sự việc lạm dụng, thanh toán tràn lan. 

Đến đầu năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị về việc thanh toán nói trên. Văn bản này nêu rõ, chỉ thanh toán những khoản mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vay dân để giải quyết nhu cầu chi tiêu cần thiết của Nhà nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 

Việc chi trả kéo dài và rải rác những năm sau đó cho đến cuối năm 1998 khi Bộ Tài chính mới ra công văn cho biết thời hạn thanh toán các khoản nợ dân nói trên đã kết thúc. Dù đã quá hạn 20 năm, song gần đây Bộ Tài chính lại mới đề nghị các địa phương tiếp tục thanh toán nợ đối với các trường hợp người dân còn chứng từ gốc.

Đại diện cơ quan này cho biết đây là chỉ đạo của của Phó thủ tướng Trương Hoà Bình nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Nguồn kinh phí chi trả được lấy từ nguồn đảm bảo xã hội của ngân sách địa phương. 

(Nguồn: Vnexpress)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn