• Zalo

Chính biến Ukraine và 'thế cờ hiểm' Putin

Thế giớiThứ Tư, 05/03/2014 08:18:00 +07:00Google News

“Nga chơi cờ và chúng ta (Mỹ) là con cờ”, Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, chua chát nói về khủng hoảng Ukraine trên kênh Fox News.

Nhiều học giả và chính khách Mỹ buộc phải thừa nhận thực tế Nga không mất một viên đạn đã kiểm soát được bán đảo Crimea, đồng thời giành lợi thế lớn trong ván cờ địa chính trị đông-tây. Không ít người tự hỏi phải chăng một cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu? 

Tổng thống Nga Putin (giữa) đích thân thị sát tập trận ở biên giới Ukraine


Ông Putin đã phớt lờ mọi lời cảnh báo của phương Tây và Mỹ, trút áp lực lên Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Obama bị coi là “nhu nhược”, để Nga “sỉ nhục”, chính khách chỉ biết nói nhiều hơn hành động. Khó mà dò đoán nổi ông Putin muốn gì và hành động tiếp theo của Nga ra sao.

Chắc chắn cả Nga và phương Tây đều không muốn tình hình leo thang đến mức dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự giữa khối NATO và Nga. Kịch bản này vô cùng nguy hiểm, thậm chí không loại trừ chiến tranh hạt nhân. Cô lập ngoại giao và trừng phạt kinh tế luôn là vũ khí lợi hại của phương Tây. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt dồn dập tung ra có vẻ không làm nhà lãnh đạo Nga nao núng, cũng như Mỹ và phương Tây đã đánh giá thấp sự khôn ngoan của ông Putin.

Ông Putin thừa biết ngay từ đầu Mỹ đã muốn thông qua EU để chơi ván bài Ukraine. Nhưng tới lúc “nước đến chân”, EU đâu thể vì Mỹ mà xả thân. Bản thân EU cũng luôn chia rẽ trong các vấn đề hóc búa, đặc biệt là quan hệ với Nga.
>> Toàn cảnh chính biến Ukraine rung chuyển châu Âu

Trong khi các nước vùng Baltic hay Ba Lan muốn áp dụng các biện pháp mạnh và tức thời, Đức, Pháp, Anh lại thiên về các giải pháp ngoại giao, đối thoại hơn. Mỹ muốn loại Nga khỏi G-8, nhưng EU ngại ngần. Nếu Nga sợ tẩy chay và cô lập, thử hỏi Olympic Sochi có vị lãnh đạo Tây Âu nào tham dự?

Cán cân thương mại hai chiều Mỹ-Nga chưa đầy 40 tỷ USD/năm, thậm chí Mỹ còn không lọt vào danh sách 10 đối tác thương mại quan trọng của Nga nên Mỹ khó lòng ép Nga. Quan hệ kinh doanh EU-Nga lên tới 460 tỷ USD, nhưng “Trạng chết chúa cũng băng hà”.

Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất thế giới, xuất khẩu khí đốt tự nhiên nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, sản xuất dầu lửa chỉ sau Ảrập Xêút và xuất khẩu kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới, thị trường tiêu thụ thứ 5 thế giới.

Nhiều đại gia năng lượng phương Tây đầu tư lớn vào Nga, kể cả BP, Shell hay ExxonMobil của Mỹ… Hôm 4/3, chủ tịch một tập đoàn năng lượng của Pháp bày tỏ lo ngại Nga sẽ dùng khí đốt bắt EU làm con tin.

Cựu ứng cử viên Phó Tổng thống Sarah Palin cũng đổ thừa tại Mỹ tỏ ra yếu đuối trong cuộc chiến Nga-Gruzia năm 2008, nên Nga mới bạo gan đưa quân vào Crimea.

Truyền thông phương Tây hô hoán, nếu không chặn lại, Nga sẽ được đà lấn tới “nuốt” tất các nước vùng Baltic, chú gấu Nga thức tỉnh sẽ đòi lại những gì đã mất thời Liên Xô.

Có thể tất cả chỉ là sự thổi phồng, dường như ông Putin chỉ muốn nhắc nhở phương Tây đừng vượt qua lằn ranh an toàn Nga đã vạch, cũng như chớ dại gạt Nga ra rìa khi ai đó tự ý sắp đặt vận mệnh một khu vực Nga luôn coi là sân sau.
Bình luận
vtcnews.vn