(VTC News) - Những nạn nhân trong số 21 người được cứu sống trên chiếc ca nô gặp nạn kể lại hành trình khủng khiếp.
Sáng 3/8, tại bệnh viện đa khoa huyện Cần Giờ, chúng tôi đã gặp 14 nạn nhân thoát chết thần kỳ trong vụ ca nô bị lật úp tại khu vực xã Lý Nhơn, cách bờ Cần Giờ khoảng 3,5km khiến 9 người trên ca nô mất tích. Họ kể chuyện với giọng run run như vẫn không tin mình còn sống.
Anh Trung Hiếu kể lại diễn biến vụ lật ca nô tối 2/8
Anh Nguyễn Trung Hiếu (23 tuổi, làm kỹ thuật Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam) kể: Khoảng 18h tối 2/8, chiếc ca nô H29 của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu xuất phát tại Gò Công Đông để về Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau khi được hơn 2h thì bất ngờ bị chìm tại khu vực xã Lý Nhơn, cách bờ Cần Giờ khoảng 3,5km.
“Lúc đó tôi đang ngồi trong khoang thì cảm nhận được chiếc tàu bị lật nghiêng, tôi cố tri hô cho anh em “cự” chiếc ca nô lại để giữ thăng bằng, tuy nhiên gió mạnh ập đến đồng thời khiến chiếc tàu bị lật úp giữa dòng nước”, anh Trung Hiếu nhớ lại.
Sau khi chiếc tàu bị lật úp, một người phụ nữ bị mắc kẹt trong khoang tàu và mất tích, gần 30 người còn lại nhanh chóng thoát ra ngoài và bám vào thành ca nô, toàn bộ máy móc, điện thoại đều chìm nghỉm trong lòng sông.
“Trời mỗi lúc mỗi tối hơn, chúng tôi phải ngâm mình trong dòng nước hàng giờ. Trong suy nghĩ của tôi lúc bẩy giờ có thể mình và những người bạn không qua được cánh cửa tử thần này. Mặc dù suy nghĩ là vậy, nhưng tôi vẫn cố tự động viên mình hãy cố gắng bằng tất cả sức còn lại", anh Hiếu oà khóc khi nhớ lại sự việc.
Lãnh đạo TP.HCM đang thăm hỏi, động viên nạn nhân sống sót trong vụ lật ca nô
Cùng nói về chuyến tàu “định mệnh” cách đây nửa ngày, anh Trần Kim Trung nhớ như in giây phút cận kề cái chết.
“Tôi chưa kịp định thần sau những cú chao đảo mạnh thì bất ngờ chiếc tàu bị úp lại. Lúc đó, tôi chỉ biết tìm cách nhoài ra ngoài và bám víu vào thành tàu, dùng hết sức để bám và chống chịu từng cơn gió lạnh buốt thấu xương. Rất nhiều người khóc thét vì sợ và không ít người không chịu nổi nên đã từ từ buông tay trôi theo dòng nước và mất tích”, anh Kim Trung nhớ lại.
Anh Văn Cương -n gười leo lên mũi tàu đầu tiên và giữ được chiếc điện thoại không bị nước nhấn chìm để liên hệ lực lượng cứu nạn
Theo anh Nguyễn Văn Cương, người đầu tiên trèo lên được mũi tàu và giữ được chiếc điện thoại không ngấm nước để gọi điện báo cho công ty Cổ phần sản xuất ống thép dầu khí VN và lực lượng cứu hộ đến hỗ trợ: Lúc đó, cách vị trí ca nô gặp nạn khoảng 500 mét cũng có hai ca nô khác. Mặc dù mọi người kêu cứu rất to, tuy nhiên hai ca nô này dừng lại một lúc nhưng không tiến đến gần.
“Dường như họ không biết vì lúc đó không thể xác định được toạ độ, đồng thời sóng, gió nổi lên cuồn cuộn. Sau đó họ đi tiếp về phía Vũng Tàu. Mọi người đã rất vui mừng tưởng sẽ được hai ca nô này cứu nhưng rồi chuốc lấy thất vọng không rõ vì sao họ không dừng lại”, anh Cương cho biết.
Cùng lúc này, ông Hà Ngọc Phước, Giám đốc công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí VN, đã liên lạc lại với anh Cương và hỏi: “Có phải em và mọi người đang thổi còi ra hiệu cấp cứu hay không?”.
Sức khoẻ các nạn nhân đã ổn định, tuy nhiên vẫn còn hoảng loạn
Tuy nhiên, sau khi hai chiếc ca nô chạy thẳng về Vũng Tàu, tới gần 2g sáng thì mọi người mới được cứu.
Phần lớn các hành khách trên chuyến ca nô là công nhân, chuyên gia của công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam. Trong số các nạn nhân trôi trên biển có hai vợ chồng chuyên gia người Đức.
Trong quá trình ca nô bị nghiêng, rất nhiều nạn nhân bị sóng đánh bật ra khỏi ca nô, có người bơi trở lại được ca nô, người yếu bị sóng đánh đi luôn. Vài người bơi được tiến lại phía trên đáy chiếc ca nô bị lật úp để cứu nhưng sóng đánh quá mạnh nên đã bị chìm.
Người phụ nữ bị kẹt trên tàu là phụ bếp, được cho là người dân tộc thiểu số, sinh năm 1979, đã chết ngay lúc đó.
Vị trí tàu chìm là Cồn Ngựa, cách Vũng Tàu 6 -7 hải lý, cách biển Cần Giờ khoảng 3-4 hải lý.
Phạm Nguyễn
Bình luận