• Zalo

Chìm phà Hàn Quốc: Cô dâu Việt định về thăm mẹ trước ngày định mệnh

Thời sựThứ Hai, 21/04/2014 11:33:00 +07:00Google News

Chờ cha mẹ xây xong nhà mới sẽ đưa gia đình về Cà Mau chơi, nhưng Thanh cùng người chồng Hàn Quốc và cậu con trai 6 tuổi đã mất tích trên chiếc phà Sewol.

Chờ cha mẹ xây xong nhà mới sẽ đưa gia đình về Cà Mau chơi, nhưng Thanh cùng người chồng Hàn Quốc và cậu con trai 6 tuổi đã mất tích trên chiếc phà Sewol.

Ba ngày qua, từ khi hay tin vợ chồng cô con gái cùng đứa cháu ngoại 6 tuổi mất tích trong vụ chìm phà trên đường ra đảo Jeju, bà Nguyễn Thị Nga ở khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân (Cà Mau) như người mất hồn.

Chốc chốc người phụ nữ ngoài 60 tuổi này lại mang hình ảnh gia đình con gái Phan Ngọc Thanh ra xem rồi khóc ngất. Trước căn nhà cấp bốn đang xây dở gần cửa biển, người mẹ đặt hương án cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho 3 thành viên trong gia đình con được bình an dù cơ hội rất mong manh.
 Bà Nga rơi nước mắt khi nhắc đến vợ chồng con gái và cháu ngoại mất tích. Ảnh: Ái Nam.
Bà Nga rơi nước mắt khi nhắc đến vợ chồng con gái và cháu ngoại mất tích. Ảnh: Ái Nam. 
Theo bà Nga, sáng 18/4, có người gần nhà biết tin vụ chìm phà Sewol. Họ thấy hình bé gái 5 tuổi Kwon Chi-yeon rất giống cháu gái của bà nên chạy sang báo tin. Lúc này chồng bà là ông Phan Văn Chạy (Tư Chạy) cùng các con đang đi ghe ngoài biển đã được gọi về. Đến trưa, em chồng Thanh nhờ người biết tiếng Việt điện về báo bà Nga tin dữ.

"Hay tin xấu vợ chồng tôi điếng người. Ba đứa con trai động viên, an ủi vì sợ tôi xỉu do bệnh huyết áp. Trong đêm 18/4, tụi nó với con gái út tức tốc lên TP HCM liên hệ cơ quan chức năng để bay sang Hàn Quốc tìm kiếm vợ chồng Thanh với đứa cháu trai 6 tuổi mất tích", bà Nga nói.

Hiện người thân của Thanh từ Việt Nam sang đã có mặt tại Hàn Quốc để nắm thông tin. Đại sứ quán Việt Nam cùng với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Bộ Bình đẳng giới nước này sẽ tổ chức đón gia đình chị tại sân bay và đưa ra Seoul, từ đó đi đến cảng Jindo. Hiện trường vụ tai nạn cách thủ đô Seoul khoảng 700 km.

Thanh là con gái thứ tư trong gia đình ngư phủ có cuộc sống tương đối khó khăn. Hết lớp 6 cô đã nghỉ học đi nhặt cá vụn, vá lưới thuê kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Gần 9 năm trước, Thanh lên TP HCM làm công nhân may. Sau đó hơn 6 tháng thì chị được người đàn ông Hàn Quốc lớn hơn 24 tuổi chọn làm vợ. Hai người nhanh chóng làm thủ tục đăng ký kết hôn và chú rể về quê vợ chơi một tuần trước khi đưa Thanh sang Hàn Quốc sống.
 Căn nhà ông Tư Chạy đang xây bằng tiền con gái ở Hàn Quốc gửi về. Ảnh: Ái Nam
Căn nhà ông Tư Chạy đang xây bằng tiền con gái ở Hàn Quốc gửi về. Ảnh: Ái Nam 
Người thân của Thanh cho biết, gia đình bên chồng em gái có nhà cách sân bay quốc tế Incheon khoảng 10 phút đi taxi và vợ chồng Thanh làm nghề trang trí nội thất. Trong 8 năm xa xứ, đều đặn cứ một đến hai ngày Thanh gọi điện cho mẹ để hỏi thăm người thân.

Vài tháng, cô lại gửi tiền về cho gia đình. Căn nhà ông Tư Chạy đang xây với chi phí dự kiến trên 100 triệu đồng cũng từ tiền Thanh gửi về. Trước khi rời thành phố để cùng chồng con ra đảo Jeju, cô còn gửi thêm 1.000 USD. Sáng 16/4, em gái Thanh đi nhận tiền của chị gửi về thì 2 giờ sau chiếc phà Sewol gặp nạn.

"Thanh sang Hàn Quốc rất được nhà chồng thương và đã bồng con về thăm cha mẹ 2 lần, mỗi lần độ nửa tháng. Quê con rể tôi ở đảo, nơi đó có vườn cam quýt của cha mẹ để lại và được vài người bà con trông coi. Cuối năm ngoái những người này trả lại vườn nên vợ chồng Thanh quyết định rời thành phố để về quê làm nông”, bà Nga cho biết.

Tháng trước, Thanh định cùng chồng con về Cái Đôi Vàm chơi nhưng bà khuyên nên chậm lại, chờ cất xong nhà. "Nhà còn làm dang dở, trời thì nóng nực, tôi sợ chúng về không có chỗ chui ra chui vào, khổ cho mấy đứa nhỏ", bà Nga khóc.


Sáng 15/4, cô gọi điện báo tin cho mẹ rằng đã gửi xe cùng đồ đạc trên phà Sewol, vợ chồng với 2 con sẽ mua vé máy bay ra đảo. Vì vậy, khi hay tin Thanh cùng người thân mất tích ngoài biển, gia đình cô nhận định có thể họ không mua được vé máy bay nên đã đi phà. Mấy ngày qua, bà Nga gọi được vào máy điện thoại của Thanh nhưng không có người nghe máy.

Trước đó, ông Dương Chính Chức, tham tán phụ trách Lãnh sự và bảo hộ công dân của sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc xác nhận với VnExpress về trường hợp một người Việt mất tích trên phà Sewol là Phan Ngọc Thanh. Người phụ nữ sinh năm 1985 quê ở Cà Mau này mới nhập quốc tịch Hàn Quốc năm ngoái và chính là mẹ của bé gái 5 tuổi Kwon Chi-yeon được cứu sống trên phà.

Bé Kwon Chi-yeon đã được trao trả lại cho người thân là em gái bố cô bé. Cảnh sát Hàn Quốc chưa công bố họ tên người chồng Hàn Quốc của Thanh.
Bé Kwon sau khi được cứu lên bờ.
Bé Kwon sau khi được cứu lên bờ. 
Báo Korea Times cho biết gia đình bé Kwon Chi-yeon, gồm cha mẹ và anh trai 6 tuổi lên chuyến phà Sewol để đến đảo Jeju lập nghiệp. Các y tá bệnh viện Hankuk ở thành phố Mokpo cho biết bé Kwon được cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn. Một hành khách tên Kim nhớ lại rằng bé Kwon ở một mình khi ông thấy bé ở một cabin trên phà. Kim ôm chặt bé gái khi trèo lên chiếc phà đang bị nghiêng. Bé được chuyền tay qua 4 người đàn ông khi họ tìm đường thoát khỏi phà chìm.

Đã 4 ngày kể từ khi phà Sewol bị chìm. Chuyến phà chở 475 hành khách và thuyền viên từ thành phố Incheon tới đảo Jeju. Trong số các hành khách, có hơn 325 học sinh từ trường trung học Danwon ở Ansan, phía nam Seoul, tham gia chuyến dã ngoại kéo dài 4 ngày. Con số thiệt mạng hiện lên đến gần 60 người.

» Tái hiện nguyên nhân lật phà Hàn Quốc
» Lật phà Hàn Quốc: Mẹ gào thét tên con trong mưa

Theo VNE
Bình luận
vtcnews.vn