Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm. Mùa xuân này qua đi, mùa xuân khác lại tới. Đời người cũng có mùa xuân. ngay từ xa xưa, cổ nhân đã nhận thấy rằng: trong cuộc đời mỗi người đến khi về già đều có một giai đoạn cảm thấy như mình trẻ lại cả về thể xác và tâm hồn, cũng rạo rực yêu đương, cũng tràn trề sức sống.... Giai đoạn đó được gọi là tuổi "hồi xuân".
Thuật “hồi xuân”
Con người, tự cổ chí kim, đã không hoàn toàn chịu khuất phục tạo hóa, cam chịu mỗi sự "hồi xuân" mang tính tự nhiên do tạo hóa ban phát cho. Trải qua quá trình lao động, tìm tòi, thể nghiệm và đúc rút từ thực tế hàng ngày, con người đã chắt lọc và tích lũy từ thế này sang thế hệ khác những tri thức, kinh nghiệm và nâng chúng lên thành "thuật".
Đây là một hệ thống những cách thức, những phương pháp nhằm mục đích khôi phục và duy trì "sức xuân", chủ động “hồi xuân" một cách tích cực, hệ thống đó được gọi là "thuật hồi xuân". Một trong những biện pháp quan trọng của thuật hồi xuân là tập luyện khí công dưỡng sinh.
Khí công dưỡng sinh là một phương pháp rèn luyện thân tâm hết sức độc đáo của y học cổ truyền. Thông qua việc tập luyện các công pháp khí công có thể khiến "Tinh, Khí, Thần" hòa thành một thể, âm dương điều hòa, khí huyết lưu thông, nguyên khí sung mãn, làm chậm quá trình lão hóa, giúp con người sống lâu, sống khỏe, duy trì và kéo dài thêm "sức xuân".
Trong đó, phải kể đến các phương pháp có công năng "hồi xuân" độc đáo như Nội dưỡng công, Cường tráng công, Cố tinh công, Hồi xuân công, Bảo kiện công, Tráng lưng kiện thận công... Dưới đây, xin được giới thiệu cùng độc giả 3 công pháp "hồi xuân" điển hình.
Hồi xuân công
Hồi xuân công là phương pháp luyện khí công độc đáo nhất của môn phái Hoa Sơn (Trung Quốc) có lịch sử tồn tại cả vài nghìn năm. Công pháp này có tác dụng làm lưu thông kinh mạch, điều hòa khí huyết, nâng cao năng lực hoạt động của các tạng phủ, trong đó đặc biệt là hai tạng can và thận, những tạng phủ có liên quan mật thiết đến hệ thống nội tiết trong cơ thể theo y học hiện đại. Phương pháp luyện tập như sau:
+ Tư thế: Thường chọn tư thế đứng thẳng người, hai bàn chân dang rộng bằng khoảng cách hai vai, hai tay buông thẳng theo thân người, hai vai hạ thấp, toàn thân thả lỏng. Mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng khép, hàm thả lỏng, lưỡi cong lên chạm vào lợi hàm răng trên. Thở nhẹ nhàng và điều hòa, tâm trí lạc quan và tập trung vào việc tập luyện.
+ Thực hành động tác: Thở ra cho hết rồi nhẹ nhàng hít vào, đồng thời từ từ đưa thẳng hai tay ra phía trước cho tới khi ngang tầm vai, lòng bàn tay úp xuống. Khi bắt đầu thở ra thì khuỵu đầu gối xuống trong khi vẫn giữ thân người thẳng, đồng thời từ từ hạ hai tay xuống buông lỏng tự nhiên theo thân người rồi lại tiếp tục đưa cánh tay về phía sau hết cỡ.
Chú ý thả lỏng toàn thân và đầu gối khuỵu xuống chỉ bằng 1/3 khoảng cách tính từ khi đầu gối thẳng đến khi gập hẳn trong tư thế ngồi xổm. Khi khuỵu đầu gối xuống và đưa đầu gối trở về vị trí ban đầu, thân người phải nhịp nhàng trong động tác quả lắc lên xuống, bàn chân phải bám sát mặt đất ở tư thế đứng vững, vai để tự nhiên, không nhô hoặc so vai. Động tác khuỵu gối và đưa gối trở về vị trí ban đầu cần làm hết sức thong thả, nhịp nhàng với hơi thở, không vội vã hấp tấp.
Sức nặng của thân người phải dồn vào gót chân để giữ cho lưng được thẳng khi đầu gối khuỵu xuống. Đầu lưỡi chạm vào lợi hàm trên sẽ kích thích tiết nhiều nước bọt, nên giữ nước miếng đầy miệng thì nuốt, không nhổ đi và đây là thứ dịch rất có lợi cho sức khỏe.
Thời gian đầu, làm nhanh hay chậm là tùy thuộc vào hơi thở. Dần dần hơi thở dài ra thì động tác tiến hành chậm lại. Hết sức chú tâm theo dõi hơi thở và đếm mỗi lần khuỵu đầu gối. Chú ý cần thở bằng bụng, khi hít vào bụng phình ra và khi thở ra bụng thót lại.
Đây là động tác có tác dụng bồi bổ chân khí. Sau khi tập chừng 3 - 4 tháng, kỹ năng thở bằng bụng đã thuần thục thì không cần theo dõi hơi thở nữa mà tâm trí cần tập trung vào đan điền.
Người trưởng thành, khi mới tập chỉ cần làm vài chục lần, mỗi tuần tăng thêm năm, bảy lượt cho đến khi làm đủ 164 lần. Mỗi ngày nên tiến hành 2 lần vào buổi sáng khi mới thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
Cố tinh công
Cố tinh công có nhiều cách thức khác nhau, trong đó có một phương pháp rất phổ thông, dễ tập có tên gọi là thổ nạp cố tinh pháp. Công pháp này có tác dụng bổ thận cố tinh, tăng cường sinh lực giúp cho người tập có thể duy trì "sức xuân" và kéo dài tuổi thọ, phòng và chữa các chứng bệnh như hoạt tinh, mộng tinh, di tinh, phụ nữ bị âm lãnh... Phương pháp luyện tập như sau:
+ Tư thế: Chọn tư thế đứng tự nhiên, toàn thân thả lỏng thoải mái, tâm trí yên tĩnh thư thái, tập trung sự chú ý vào bài tập.
+ Thực hành động tác: Hít vào nhẹ nhàng và từ từ bằng đường mũi, bụng phình ra cho đến khi cảm thấy đầy ở ổ bụng thì nín thở trong giây lát rồi từ từ thở ra cho thật hết. Tiếp tục tập lần thứ hai, dùng ý niệm dẫn khí nhập vào đan điền (đây là vị trí tương ứng với huyệt khí hải, nằm ở trên đường trục giữa cơ thể, dưới rốn 1,5 thốn đồng thân.
Khi luyện tập chỉ cần tưởng tượng đan điền là một vùng tròn to hay một quả cầu bé nằm ở giữa vùng bụng dưới. Theo y học cổ truyền, đan điền là "sinh khí chi hải" (biển của sinh khí) có vai trò rất quan trọng trong nhân thể). Tập liền từ 3 - 5 lần. Chú ý không nên nín thở quá lâu, tránh vội vàng nôn nóng trong khi tập luyện, khi có những biểu hiện bất thường thì cần điều chỉnh lại số lần và cách thức tập luyện.
Tráng lưng kiện thận công
Đây là phương pháp tập luyện kết hợp những tinh hoa của một số công pháp cổ với những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn hiện đại, có công dụng bổ thận, tăng cường sinh lực, phòng chống tích cực các bệnh lý do thận hư, đặc biệt là chứng "yêu thống" (đau lưng).
+ Tư thế: Sáng sớm, khi thức giấc, cởi bỏ bớt và nới rộng quần áo, ngồi bằng, hai bàn tay đặt trên đùi, các ngón tay xòe ra, hai chân song song mở rộng bằng vai, miệng khép tự nhiên, lưỡi chạm hàm ếch, mắt nhắm hờ, tư tưởng tập trung vào huyệt bách hội (là điểm giao nhau giữa đường trục giữa cơ thể và đường nối đỉnh hai vành tai) và hội âm (nằm ở phía trước hậu môn), toàn thân thả lỏng, tâm trí yên tĩnh thư thái.
+ Thực hành động tác: Trước hết, tay trái đặt lên huyệt thần khuyết (chính giữ rốn), tay phải đặt trên huyệt mệnh môn (nằm ở chính giữa cột sống, ngay dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng 3).
Chân phải đặt bên mũi chân trái, hai chân so le, mũi chân phải hướng ra ngoài và đối lập với mũi chân trái. Tay trái từ trong hướng ra ngoài và và xoay sang trái, đồng thời xoay tay phải, sau đó đổi tay, từ ngoài vào trong.
Cùng lúc đó đồng thời xoay chân phải, khi hai tay sát nhau thì hai chân cũng sát nhau. Tiếp đó, dùng tay phải xoa vùng bụng trên rốn theo chiều kim đồng hồ rồi sát xuống giữa xương mu, sau đó đổi sang làm bằng tay trái. Dùng lòng hai lòng bàn tay, một đặt trên rốn và một đặt trên huyệt mệnh môn rồi xoay một vòng, dùng ý thả lỏng toàn thân từ đầu đến chân.
Xát hai bàn tay vào nhau cho nóng lên rồi đặt hai tay lên hai bên má, ngón út ở cạnh sống mũi rồi xoa từ dưới lên trên đến huyệt ấn đường (điểm giữa đường nối bờ trong hai lông mày), làm 3 lần như vậy.
Hai ngón tay giữa đặt ở sơn căn, xoa nhẹ tới ấn đường, qua thái dương rồi trở về sơn căn. Tiếp đó, xát hai bên sống mũi rồi dùng ngón tay giữa xoa từ nhân trung (điểm nối 1/3 trên và 2/3 dưới của rãnh nhân trung) đến hai bên cạnh khoé miệng, làm 3 lần như vậy. Mỗi lần tập từ 10 - 20 phút, mỗi ngày 2 lần.
Nguồn: Sức khỏe đời sống
Bình luận