CLB TP.HCM vừa chiêu mộ thủ môn Phạm Văn Cường từ CLB Quảng Nam. Người gác đền 30 tuổi cập bến sân Thống Nhất để thay thế Nguyễn Sơn Hải - thủ môn số ba vừa kết thúc hợp đồng với CLB TP.HCM.
Tuy nhiên, Văn Cường không góp mặt để đóng vai dự bị. Thủ môn này có thể cạnh tranh suất bắt chính, đẩy Bùi Tiến Dũng chịu cảnh ngồi ngoài ở V-League 2021.
Bổ sung chất lượng
Đỉnh cao của Văn Cường trong bảy năm khoác áo Quảng Nam là ở mùa giải 2017, khi người gác đền này cùng đội nhà vô địch V-League với hàng phòng ngự thuộc nhóm năm đội tốt nhất giải đấu.
Văn Cường cũng thi đấu tốt ở Siêu Cúp Quốc gia 2017, cản phá những cơ hội ăn bàn của Phan Văn Đức, Olaha, Hồ Khắc Ngọc để giúp Quảng Nam hạ SLNA và lên ngôi vô địch.
Bảy năm thi đấu ở V-League, Văn Cường ra sân 143 trận, có bốn mùa giải bắt 25 trận trở lên, tức gần trọn vẹn cả mùa. Dưới thời HLV Park Hang Seo hay trước đó là Nguyễn Hữu Thắng, Văn Cường thường xuyên được gọi lên tuyển Việt Nam, sắm vai dự bị cho Văn Lâm, Nguyên Mạnh hoặc Tuấn Mạnh.
Dù không còn giữ phong độ đỉnh cao như cách đây một, hai năm, nhưng Văn Cường vẫn có với số trận bắt V-League trội hơn Thanh Thắng (130 trận) và Bùi Tiến Dũng (29 trận). Chiều cao 1m85, sải tay dài và khả năng làm chủ các pha bóng bổng cũng là điểm mạnh của Văn Cường.
Ở tuổi 30, Văn Cường đang ở độ chín khi tích lũy đủ kinh nghiệm chơi bóng đỉnh cao. Đứng dưới hàng thủ lỏng lẻo, nhiều vấn đề của Quảng Nam cũng là cơ hội để Văn Cường hoàn thiện các kỹ năng.
Đến CLB TP.HCM từ đội bóng đã xuống hạng, nhưng thủ môn sinh năm 1990 không góp mặt để ngồi dự bị. Anh sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh thú vị với Thanh Thắng và Tiến Dũng.
Lời cảnh báo cho Tiến Dũng
Bài học từ Bùi Tấn Trường của Hà Nội FC cho thấy kinh nghiệm đang thắng thế so với sức trẻ trong khung gỗ. Tấn Trường từng có ý định giải nghệ, nhưng bất ngờ đến Hà Nội FC, chiếm suất bắt chính của Trần Văn Công và khiến Phí Minh Long không có cơ hội ra sân một phút nào.
Ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, Tấn Trường vẫn bắt chắc chắn, giúp đội bóng Thủ đô bất bại 13 trận ở V-League và vô địch Cúp Quốc gia. Đỉnh cao của thủ môn thường xuất hiện ở tuổi 30. Thủ môn cũng là vị trí không yêu cầu nhiều về thể lực, do đó, các thủ môn kỳ cựu thường được tin tưởng hơn thủ môn trẻ.
Viettel cũng vô địch nhờ sự chắc chắn của Trần Nguyên Mạnh (28 tuổi) trong khung gỗ. Nguyên Mạnh đánh bật cả hai đàn em là Ngô Xuân Sơn và Quàng Thế Tài để bắt cả mùa, giúp Viettel có hàng thủ chắc chắn nhất V-League. Hay ở Than Quảng Ninh, Huỳnh Tuấn Linh vẫn là "tượng đài" lừng lững, khiến đàn em Phạm Minh Thành chưa thể vượt qua.
Tiến Dũng hơn Văn Cường, Thanh Thắng ở kinh nghiệm thi đấu quốc tế, nhưng giải đấu thủ môn sinh năm 1997 góp mặt đều ở cấp độ trẻ. Ở V-League, Tiến Dũng vẫn chưa đủ chín, nhiều lần mắc sai lầm trong màu áo Thanh Hóa, Hà Nội FC lẫn CLB TP.HCM.
Tiến Dũng có ít nhất hai sai sót khiến CLB TP.HCM chịu bàn thua mùa trước và mất suất bắt chính vào tay Thanh Thắng ở giai đoạn cuối.
HLV Trần Minh Quang luôn đánh giá cao Tiến Dũng ở chất lượng tập luyện và sự chuyên nghiệp. Dù vậy, tâm lý là yếu tố sống còn với một thủ môn, mà những màn trình diễn trên sân mới thể hiện được điều này, thay vì những buổi tập gần như không có sức ép.
Tiến Dũng cũng còn nhiều khiếm khuyết trong kỹ năng bắt bóng chưa thể khắc phục, cũng như sự tập trung trước những tình huống bóng cơ bản.
Thủ môn gốc Ngọc Lặc còn nhiều cơ hội cải thiện, song, sự có mặt của Văn Cường là lời cảnh báo. Suất bắt chính ở V-League không phải tấm vé miễn phí với Tiến Dũng như giai đoạn giữa mùa trước. Phải đối diện với hai đàn anh lão luyện, cơ hội bắt chính dành cho Tiến Dũng sẽ hẹp đi rất nhiều.
Người hùng Thường Châu năm nào phải cố gắng hơn để cứu vãn sự nghiệp.
Bình luận