HLV Chung Hae Seong sẽ không tiếp tục gắn bó với CLB TP.HCM khi đôi bên đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng vào trưa 12/11. Chiến lược gia người Hàn Quốc từng đứng trên đỉnh cao với danh hiệu á quân V-League 2019, nhưng tấm huy chương bạc là chưa đủ để giúp ông Chung tại vị.
CLB TP.HCM đặt kỳ vọng quá cao?
Để đánh giá một HLV thành công hay thất bại, phải nhìn tình cảnh CLB đó trước và khi HLV này tới. Trước khi ông Chung Hae Seong cập bến sân Thống Nhất theo lời gợi ý của bầu Đức với lãnh đạo CLB TP.HCM, đội bóng này vừa có hai mùa đua trụ hạng đến vòng cuối.
Cả hai HLV Alain Fiard và Toshiya Miura đều thua toàn tập về thành tích và lối chơi. Dưới thời HLV Miura, CLB TP.HCM còn bị mô tả là thi đấu bóng bạo lực. Đội bóng có biệt danh "Chiến hạm đỏ" nhiều lần thua đậm ở V-League, chìm nghỉm ở nhóm cuối.
Nhưng HLV Chung Hae Seong đã thay đổi tình thế. Với lực lượng cầu thủ cơ bản giống thời Miura, ông Chung tạo được tập thể gắn kết, thi đấu kỷ luật, sạch sẽ và quyết tâm. CLB TP.HCM bứt tốc ở chặng đầu, vô địch lượt đi, trước khi đua tranh đầy kịch tính với Hà Nội FC.
Không thể lên ngôi vào cuối mùa, nhưng ngôi á quân V-League đã vượt quá tầm vóc thực sự của CLB TP.HCM - đội bóng với số tuyển thủ quốc gia kém xa Hà Nội FC, SLNA, Viettel hay SHB Đà Nẵng.
Một đội bóng đứng hạng nhì mùa này, muốn vô địch mùa sau là chuyện thường tình. CLB TP.HCM thể hiện tham vọng khi ký với ba tuyển thủ là Công Phượng, Huy Toàn và Bùi Tiến Dũng, phá két mang về Pape Diakite (đá giải hạng Nhất Mỹ), Viktor Prodell (cựu tuyển thủ Thụy Điển), thử việc David N'Gog (cựu tiền đạo Liverpool), hỏi mua Lee Nguyễn.
Đầu tư của CLB TP.HCM nhắm tới hai khía cạnh: hình ảnh và chuyên môn, song đội bóng này chỉ thắng được vế thứ nhất. Bóng đá không phải sân khấu showbiz, cứ nhiều ngôi sao là làm nên chuyện.
Hàng chục tỷ mua tân binh, nhưng chỉ Công Phượng tỏa sáng. Tuy nhiên, đó không hẳn là lỗi của HLV Chung Hae Seong. Đội hình CLB TP.HCM thua Buriram United ở vòng sơ loại AFC Champions League 2020 chỉ sót lại 4 cái tên từng đá thường xuyên cho đội này ở V-League 2019.
Ông Chung phải làm việc với 10-12 cầu thủ mới mùa này chỉ với hơn một tháng chuẩn bị, nên khó đòi hỏi nhiều hơn. Điểm trừ của HLV Chung Hae Seong là không xây dựng được lối đá có đường nét cho CLB TP.HCM, khi lãnh đạo đội bóng muốn cả chiến thắng lẫn một lối chơi đẹp mắt, thu hút khán giả.
Nhưng làm việc với đội hình xáo trộn, lại liên tục mất cầu thủ ở lượt về vì chấn thương (Công Phượng, Ti Phông, Seo Yong Duk, Pape Diakite), vị trí thứ năm của CLB TP.HCM không phải quá tệ. Đó là lý do đến ngày cuối tại vị, HLV Chung vẫn từ chối cho rằng mình thất bại.
Dấu hỏi mâu thuẫn
Thứ CLB TP.HCM còn thiếu ở V-League là một chân đế vững vàng. CLB Viettel vô địch V-League nhờ trục giữa được đầu tư hợp lý, kết hợp với cầu thủ tự đào tạo. Sài Gòn FC lấy huy chương đồng nhờ đội hình được xây ổn định từ thời mới lên V-League, còn Hà Nội FC có lối chơi rõ ràng.
Còn CLB TP.HCM không có gì ngoài những bản hợp đồng "đông mà chưa tinh".
Ngoài sân cỏ, việc cách chức... rồi bổ nhiệm lại ông Chung Hae Seong hồi tháng 7 càng chứng tỏ nội bộ CLB có vấn đề. HLV người Hàn Quốc bị chuyển sang ngồi ghế GĐKT sau trận thua 0-3 trước Hà Nội FC.
Ông Chung từ chối và đề nghị được thanh lý hợp đồng, sau khi để lại lùm xùm với những phát ngôn trên trang Yonhap News với hàm ý công kích một số cầu thủ và thành viên đội bóng.
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng được bổ nhiệm ngồi thay ghế HLV, mang về một trợ lý là Nguyễn Minh Phương. CLB TP.HCM cũng được đồn đoán mời gọi HLV Alton dos Santos Silva của ChiangRai United (Thái Lan).
Ông Chung bất ngờ quay lại, trợ lý Minh Phương chuyển sang Học viện Juventus Việt Nam sau hai ngày huấn luyện CLB TP.HCM, còn trưởng đoàn Lư Đình Tuấn bị cách chức.
Xáo trộn trên ghế huấn luyện và quản lý của CLB TP.HCM nhiều không kém thay đổi nhân sự đội hình. CLB TP.HCM xuất hiện liên tục trên báo giới, nhưng không phải với hình ảnh đẹp về chuyên môn như mùa trước. Nhìn lại những lộn xộn ấy, "thiếu chuyên nghiệp" có lẽ là cách mô tả xác thực nhất.
Từ đội bóng giản dị, âm thầm tăng tính cạnh tranh cho V-League, đội chủ sân Thống Nhất trở nên hỗn loạn, với những "thuyết âm mưu" không có điểm dừng.
Khi HLV Chung khẳng định việc ông ngồi ghế GĐKT sẽ khiến cầu thủ chia rẽ vì "không biết nghe ai", người ta có thể mường tượng về sóng ngầm trong lòng CLB. Thực tế, đội nào cũng có ít nhiều vấn đề nội bộ, nhưng CLB mạnh phải biết cách giải quyết ổn thỏa.
CLB TP.HCM chưa làm được điều này. Đội bóng này có tiềm lực đáng nể, song thiếu kiên nhẫn và dường như chưa biết cụ thể hóa tiềm lực ấy thành sức mạnh.
Mọi thành trì đều cần thời gian xây đắp. Sự ra đi của kiến trúc sư trưởng cho thành công, chắc chắn là cái kết buồn của CLB TP.HCM lẫn HLV Chung Hae Seong.
Bình luận