Xét về mức độ nghiêm trọng, ngành công nghiệp ô tô là một trong những nạn nhân đầu tiên phải chịu tác động tiêu cực của tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn đang diễn ra trên toàn cầu.
Chính tình trạng thiếu hụt này đã dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng, buộc các nhà sản xuất ô tô phải ngừng sản xuất và dẫn đến mất nguồn thu nhập.
Vào đầu năm nay, các nhà sản xuất ô tô lớn như Nissan, Toyota, Honda và Ford là những công ty đầu tiên phải đưa ra thông báo tạm ngừng sản xuất một số mẫu ô tô do thiếu hụt nguồn chip bán dẫn.
Vào thời điểm đó, lý do được đưa ra để giải thích cho vấn đề này là do ngành công nghiệp ô tô đã đánh giá thấp nhu cầu mua ô tô của khách hàng do suy thoái kinh tế. Sau đó, khi các nhà sản xuất ô tô đột ngột tăng đơn đặt hàng bán dẫn, các nhà cung cấp chip bán dẫn đã không thể phản ứng kịp với nhu cầu tăng lên đó.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thiết bị điện tử cho mục đích tiêu dùng và doanh nghiệp như Sony, Xiaomi và Cisco cũng đã bắt đầu nhận ra sự thiếu hụt chip bán dẫn đã làm giảm năng lực sản xuất của họ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Mark Liu – Chủ tịch của Công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC cho rằng: “Chúng tôi tin rằng hiện tại tổng công suất sản xuất vẫn lớn hơn nhu cầu thực của thị trường”.
Ông cho biết lý do của tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn trên toàn cầu hiện nay liên quan nhiều hơn đến sự mất cân bằng và sự không chắc chắn trong chuỗi cung ứng chứ không phải do bản thân việc thiếu năng lực. Ông đã chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, bao gồm: hiệu ứng Covid-19 đối với việc sản xuất chất bán dẫn, sự không thể đoán trước và không chắc chắn do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh những lý do trên, ông còn đề cập đến hai yếu tố dài hạn ảnh hưởng lớn đến nhu cầu chip bán dẫn là sự phát triển của 5G và điện toán hiệu suất cao.
Ông Mark Liu cũng nhận định rằng, sự không thể đoán trước và những bất ổn trong ngành công nghiệp chip toàn cầu chủ yếu là do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc như Huawei.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ cũng đã gây ra những bất ổn khiến các nhà sản xuất điện tử, đặc biệt là các nhà sản xuất Trung Quốc buộc phải đảm bảo nguồn cung chip của họ bằng cách dự trữ một lượng lớn chip bán dẫn so với với thực tế họ cần sử dụng.
TSMC cố gắng giải quyết tình hình bằng cách xác định đơn đặt hàng nào thực sự khẩn cấp và thương lượng lại lịch trình của các hợp đồng hiện có để xếp hạng những đơn hàng cấp bách nhất.
Việc làm này của TSMC cũng có thể giúp ích cho ngành công nghiệp vì TSMC có sức mạnh thị trường và ảnh hưởng quyết định đến ngành công nghiệp, thị phần của TSMC chiếm hơn một nửa thị trường đúc bán dẫn toàn cầu.
Việc đàm phán lại và tăng năng lực sản xuất chip bán dẫn cho các nhà sản xuất ô tô là phù hợp với yêu cầu của chính phủ Đài Loan đối với các nhà cung cấp chip trong nước nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngành công nghiệp ô tô.
Tuy nhiên, Chủ tịch TSMC đã chỉ ra năng lực sản xuất trong ngành sản xuất chip đã vượt quá nhu cầu thực tế của thị trường, công ty gần đây đã công bố khoản đầu tư 100 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và để mở rộng năng lực sản xuất trong 3 năm tới.
Chỉ trong năm nay, TSMC đã dành ra một khoản đầu tư kỷ lục lên tới 28 tỷ USD cho năm tài chính 2021.
Việc TSMC rót vốn vào R&D và mở rộng dây chuyền sản xuất đã vượt qua khoản đầu tư 20 tỷ USD của Intel. Gã khổng lồ chip của Mỹ có kế hoạch chi tiền để xây dựng 2 nhà máy sản xuất chip mới ở bang Arizona (Mỹ) khi họ chuyển sang kinh doanh sản xuất chip theo hợp đồng.
Động thái này được chính phủ Mỹ ủng hộ với sự ủng hộ của lưỡng đảng khi Mỹ cố gắng giành lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn tiên tiến. Kể từ khi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung nổ ra, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và châu Âu đang đầu tư mạnh vào chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn của riêng họ.
Bình luận