Nguyễn Bích Ngọc (sinh năm 2000) hiện là sinh viên khoa Đạo diễn của Học viện Hý kịch Trung ương, Trung Quốc. 10x từng nhận được học bổng Chính phủ nước này (học bổng CSC).
Trước khi nhập học tại ngôi trường nghệ thuật, Bích Ngọc trải qua một năm học tiếng Trung tại Học viện Ngoại ngữ số 2 Bắc Kinh. Hai tuần đầu tiên, Ngọc stress vì không thể nhớ nổi mặt chữ. Thêm vào đó, áp lực phải học thật nhanh để làm tốt bài kiểm tra tiếng CSC thì mới có thể ở lại Trung Quốc khiến em luôn trong tình trạng hoang mang, lo sợ.
“Lần đầu tiếp xúc với chữ tượng hình, em bị loạn hết cả lên. Em phải học từ 10-40 từ mới và ngữ pháp trong một ngày. Ngày nào cũng phải kiểm tra chính tả và tuần nào cũng có bài kiểm tra”, Ngọc kể lại.
Để vượt qua những khó khăn, Ngọc dành ra ít nhất 12 tiếng một ngày chỉ để luyện viết và rèn chữ. Em học liên tục, luyện viết nhiều đến mức bị chai tay, bật máu. Đến nay nữ sinh đã chinh phục HSK 5 - cấp độ cao cấp trong kỳ thi năng lực tiếng Trung.
Bích Ngọc cho biết, bài thi HSK cấp độ 5 kéo dài 125 phút với 3 phần thi: Phần nghe (30 phút), đọc hiểu (40 phút) và viết (40 phút). Để đạt được HSK 5, người học cần phải biết ít nhất 2.500 từ tiếng Trung, trong đó khoảng 1.300 từ không thông dụng.
Với phần nghe, ngoài làm bài tập, Ngọc thường tua nhanh tốc độ bài nghe lên gấp 2 lần để thử thách bản thân (cũng là cách tiết kiệm thời gian khi ôn cấp tốc). Theo em, nếu có thể quen với tốc độ khi tua nhanh thì dù gặp bài nghe khó cũng vẫn nghe rõ ràng từng chữ. Bên cạnh đó em cũng thường xem phim, nghe nhạc Trung Quốc để quen với ngữ điệu của người bản ngữ.
Quá trình ôn tập phần đọc, Ngọc thường đọc lướt qua trong lượt đọc đầu tiên để nắm nội dung. Sau đó, em tập trung đọc kỹ vào câu đầu, câu cuối và làm bài. Sau cùng, em kiểm tra đáp án và đọc kỹ lại cả đoạn để xem phán đoán của bản thân có đúng không.
Khi làm bài thi phần này, em thay đổi chiến thuật bằng cách đọc đáp án trước, đọc đoạn văn sau. “Thời gian cho phần đọc khá ít, trong khi đó đoạn văn thường dài, mang tính học thuật. Vì vậy em thường đọc đáp án đề bài đưa ra trước khi đọc đoạn văn. Mục đích là để khoanh vùng từ khóa và nội dung chính, chỉ cần đọc những phần cần đọc, nếu đọc hết cả bài sẽ không đủ thời gian”, 10x chia sẻ.
Để làm tốt phần thi viết, 10x học nhớ mặt chữ và luyện tập ngữ pháp. Em tự mày mò tìm hiểu về ý nghĩa của bộ thủ tiếng Trung - bộ phận để cấu tạo nên chữ Hán. Sau đó, em chia ra thành từng bộ nhỏ và ghép lại để dễ nhớ.
Về vấn đề ngữ pháp, em luyện tập bằng cách mỗi ngày viết 2 đoạn văn. Trong đó tất cả các câu đều phải là câu phức, không được viết câu quá ngắn, không được lặp lại 1 ngữ pháp.
Dù bài thi HSK không đòi hỏi kỹ năng nói, song Ngọc vẫn thường luyện nói hàng ngày. Thói quen này vừa giúp em nhớ được từ vựng, nâng cao ngữ pháp để làm tốt phần viết. Ngoài ra, nó còn giúp em phản ứng nhanh, tiết kiệm thời gian hơn khi tìm từ khóa trong phần thi đọc.
Kết quả, Bích Ngọc đạt 93 điểm cho bài thi nghe, 79 điểm cho bài đọc và 94 điểm cho bài viết.
“Áp lực tạo ra kim cương”, chỉ cần không ngừng cố gắng thì chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra”, Bích Ngọc nói.
Bình luận