Ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2022, trung tâm tổ chức 60.634 lượt thi đánh giá năng lực học sinh THPT tại 8 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng, Đà Nẵng và Nghệ An.
Sau 10 đợt thi liên tiếp từ 26/2-26/6/2022, phổ điểm thi đánh giá năng lực như sau: Điểm cao nhất 135/150, thấp nhất 24/150, điểm trung bình là 79,3/150, điểm trung vị tại 79,0/150, độ lệch chuẩn là 13,9. Theo thống kê, 1 thí sinh đạt 135 điểm, 16 thí sinh đạt điểm từ 125-131.
Bài thi đánh giá của trường hướng tới đánh giá năng lực học sinh phổ thông theo 3 nhóm chính: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực Toán, Tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu, tự học, khám phá và ứng dụng công nghệ, khoa học (tự nhiên- xã hội).
Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: Tư duy định tính (50 câu hỏi, 60 phút), Tư duy định lượng (50 câu hỏi, 75 phút), Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút); tổng 150 câu hỏi.
Thời gian làm bài thi là 195 phút (trường hợp có thêm câu hỏi thử nghiệm sẽ được cộng thời gian làm bài). Mỗi thí sinh sử dụng 1 mã đề thi độc lập. Thí sinh hoàn thành bài thi đánh giá năng lực trong một buổi thi của mỗi đợt thi.
Phiếu báo kết quả thi được bổ sung thêm thông tin thứ hạng điểm thi của từng đợt thi tương ứng. Theo đó, thứ hạng điểm thi (P%) là phép so sánh tương đối, phản ánh điểm của đợt thi, kỳ thi bằng hoặc thấp hơn điểm của thí sinh trong đợt thi, kỳ thi đó.
Bên cạnh thông tin về điểm thi, phổ điểm HSA năm 2022 thì thứ hạng điểm thi là một trong những công cụ quan trọng để xét tuyển thí sinh theo năng lực cá nhân.
Năm 2022, khoảng 50 trường đại học sẽ sử dụng kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển.
Bình luận