Theo SCMP, các nhà chính sách ngoại giao trong tương lai có thể sẽ phải làm việc cùng hoặc cạnh tranh với một loại robot mới có tiềm năng thay đổi chính trường quốc tế.
Nếu xem ngoại giao như một trò chơi chiến lược thì trí tuệ nhân tạo được cho là vô cùng có lợi thế khi có thể phân tích các bước đi của đối phương, rút kinh nghiệm từ thất bại và tự luyện tập nhiều lần để phát triển ra những chiến lược mới mà thậm chí con người chưa từng nghĩ đến. Hơn nữa, một con robot còn có khả năng xử lý và tiếp cận với một khối lượng lớn thông tin khi cần - tình huống luôn cần trên mọi bàn đàm phán ngoại giao.
Theo SCMP, một số mô hình hệ thống ngoại giao sử dụng trí tuệ nhân tạo đang được phát triển ở Trung Quốc. Trong đó một thiết bị ban đầu do Học viện Khoa học Trung Quốc chế tạo đã đang được Bộ Ngoại giao Trung Quốc sử dụng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận có kế hoạch sử dụng AI trong ngoại giao. “Công nghệ tân tiến, bao gồm dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, đang làm nên những thay đổi sâu sắc trong đời sống và công việc của con người. Các ứng dụng trong nhiều ngành và lĩnh vực công nghiệp đang tăng lên hàng ngày” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói vào tháng 6/2018.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “sẽ tích cực áp dụng xu hướng và khám phá việc sử dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng công việc.”
Theo các nhà nghiên cứu, “nhà chính sách” AI sẽ là một hệ thống hỗ trợ các quyết định chiến lược, trong đó con người sẽ phụ trách ra quyết định cuối cùng. Hệ thống nghiên cứu chiến lược chính trị quốc tế bằng cách tập hợp phân tích một khối lượng lớn dữ liệu, bao gồm từ chuyện phiếm vỉa hè đến các hình ảnh được vệ tinh tình báo ghi lại.
Khi cần đưa ra một quyết định nhanh, chính xác để đạt được một mục tiêu nhất định trong tình huống cấp bách, hệ thống có thể cung cấp một loạt lựa chọn với các gợi ý bước đi phù hợp nhất chỉ trong nháy mắt.
Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo có thể đọc và xử lý dữ liệu theo một cách con người không thể so sánh được. Những cỗ máy này cũng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cảm xúc như đam mê, danh dự hay nỗi sợ hãi.
Ngoài Trung Quốc, các quốc gia khác được cho là cũng đang phát triển những nghiên cứu tương tự nhưng chi tiết chưa được công khai.
Dù vậy, vấn đề của AI là nó yêu cầu một lượng lớn dữ liệu, điều mà hiện nay một số khu vực hoặc quốc gia chưa thể đáp ứng ngay. Bên cạnh đó mục tiêu cũng phải rõ ràng, trong khi một số quá trình ngoại giao thường không rõ mục tiêu ở giai đoạn ban đầu.
Bình luận