Trong chiến lược bất đối xứng nhằm đánh chiếm Crimea, Ukraine chú trọng hoạt động du kích, tình báo, và sử dụng các xuồng không người lái điều khiển từ xa (USV).
Hoạt động ngầm của du kích có yếu tố tình báo và đặc nhiệm
Các cơ quan tình báo Ukraine hy vọng rằng hoạt động đều đặn của lực lượng du kích Ukraine nằm vùng trên bán đảo Crimea sẽ đẩy được quân Nga khỏi đây. Ukraine gọi đó là “chiến lược phi chiếm đóng hóa”. Họ xác định, Crimea là tuyến tiếp tế chính mà Nga sử dụng để cung cấp những thứ cần thiết cho lực lượng Nga ở miền Nam Ukraine.
Các du kích này đã tiến hành các vụ tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Nga trên bán đảo Crimea như là các tuyến tiếp tế và Hạm đội biển Đen. Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine đã thông báo về một nỗ lực tấn công hồi tháng 3/2023 vào một nhà kho chứa các tên lửa hành trình Kalibr được Nga sử dụng thường xuyên để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.
Một bài báo trên tờ Kyiv Post tuyên bố rằng các nhóm du kích đã được tổ chức trên lãnh thổ Crimea, với số lượng hàng ngàn thành viên. Theo bài báo, những người này cung cấp các thông tin tình báo giúp quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong Crimea. Họ còn thực hiện các hoạt động phản đối sự hiện diện của Nga ở đây, như treo cờ Ukraine, và buộc các dải ruy-băng màu vàng - biểu tượng của phong trào Ukraine kháng cự lại Nga.
Lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã lập ra một “Trung tâm kháng chiến Ukraine” với vai trò đi đầu trong việc tổ chức, huấn luyện và tuyển các thành viên trong phong trào kháng cự này.
Ukraine đã huy động một nhóm người tộc Tatar Crimea tên là ATESH để thực hiện hoạt động “quấy rối quân Nga ở sau lưng”. Nhóm này lần đầu tuyên bố sự tồn tại của mình vào tháng 9/2022.
Nhóm tin tặc Ukraine mang tên Beregrini tuyên bố rằng ATESH là đứa con tinh thần của “Trung tâm Tác chiến thông tin và tâm lý” (CIPSO) - một thành tố của lực lượng đặc nhiệm Ukraine.
Nhóm du kích này tuyên bố đã tuyển được nhiều lính Nga tham gia hoạt động tự phá vũ khí khí tài của mình. Nhóm đưa ra các lời khuyên đại loại như cách thức phá hộp số của xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Nga hoặc khiến động cơ xe tăng T-72B3 bị tăng nhiệt quá mức. Nhóm này tư vấn kiểu “cứ ngồi đó rồi được trả lương trong khi thiết bị của bạn được sửa chữa”.
Nhóm ATESH này được cho là đã thu thập thông tin tình báo từ các quân nhân Nga để cung cấp cho quân đội Ukraine, bao gồm những thông tin về sở chỉ huy, nhà kho và trang thiết bị. Nhóm này nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào ngày 8/10/2022 nhằm vào cây cầu Kerch chiến lược nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.
Chính truyền thông Nga cũng thừa nhận rằng tình báo Ukraine dính líu vào các chiến dịch ngầm chống phá lực lượng Nga đồn trú ở Crimea kể từ năm 2014.
Người Nga đã đẩy mạnh hoạt động phản gián để chống lại các tai mắt của Ukraine. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ một số trường hợp làm việc cho tình báo quân sự Ukraine và dò la thông tin về các cơ sở quân sự Nga trên bán đảo Crimea.
FSB còn bắt giữ được một đặc vụ Ukraine mà họ nói là có cả một kho thuốc nổ do nước ngoài sản xuất, với có ý định cho nổ tung một đoạn đường sắt. Ngày 15/8, an ninh Nga cũng bắt được một đối tượng được cho là điệp viên của Ukraine đang truyền thông tin về quá trình vận tải hàng hóa vào và ra khỏi Crimea.
Hồi tháng 6, một nam giới bị nghi làm cho tình báo Ukraine đã cho nổ tung một đường ống ở Crimea.
Các hoạt động trên cho thấy Ukraine đã thiết lập được một mạng lưới tình báo ở Crimea mà họ sử dụng để tấn công Nga ngay tại hậu cứ.
Ukraine đã thể hiện quyết tâm của mình qua các cuộc tấn công của thủy quân lục chiến Ukraine vào Crimea, các cuộc tấn công vào tàu hải quân Nga ở Sevastopol, vào trụ sở Hạm đội Nga, và vào căn cứ không quân của Nga.
Đẩy mạnh sử dụng xuồng không người lái
Ukraine tiếp tục gia tăng năng lực của đội xuồng không người lái (USV) trên biển, để tấn công vào lực lượng hải quân Nga.
Giới quan sát đánh giá, cùng với sự gia tăng năng lực này, Ukraine sẽ ngày càng táo bạo hơn trong các đòn tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng của hải quân Nga ở Crimea và toàn vùng biển Đen.
Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Ukraine đã mất 80% năng lực hải quân của mình. Vào tháng 3/2022, Ukraine còn tự đánh đắm tàu hộ vệ hàng đầu của mình để ngăn nguy cơ Nga chiếm được tàu đó. Do vậy, Ukraine chỉ còn các tàu tuần tra nhỏ bé để đương đầu với Nga.
Trước tình hình này, Ukraine quyết định tăng cường hệ thống xuống không lái để đối đầu với hải quân Nga.
Vào tháng 5/2023, một USV của Ukraine đã tấn công tàu trinh sát Nga Ivan Khuprirs trên Biển Đen (phía Nga xác nhận có vụ tấn công này). Đến tháng 6, Ukraine tăng cường hoạt động tấn công, triển khai tới 6 USV điều khiển từ xa để đánh vào tàu do thám Priazovye của Nga, tại vị trí cách Sevastopol khoảng 300 km. Điều này đã thách thức ưu thế hải quân của Nga tại khu vực Crimea.
Đến tháng 8/2023, Ukraine tiếp tục sử dụng USV để tấn công một chiến hạm và một tàu chở dầu của Nga.
Cựu Đô đốc hải quân Mỹ nhận xét sau các cuộc tấn công nói trên rằng “các chiến hạm mặt nước đắt đỏ có người lái hiện nay đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ các USV giá vừa phải”.
Trong khi đó, Oleksiy Danilov - Thư ký Hội đồng An ninh và quốc phòng của Ukraine, cho biết: UAV và USV của Ukraine đang ngày càng chính xác hơn, các trắc thủ điều khiển cũng kinh nghiệm hơn, hoạt động hiệp đồng hiệu quả hơn. Còn các nhà sản xuất có cơ hội cải thiện các tính năng kỹ chiến thuật.
Lối đánh mới của Ukraine bằng USV khiến Nga phải dùng thêm nguồn lực để bảo vệ các hải cảng, chiến hạm và tàu vận tải chuyên vận chuyển vũ khí, nhiên liệu và các hàng hóa quân sự khác để cung cấp cho chiến trường.
Bình luận