Tòa biệt thự mang kiểu dáng kiến trúc rất độc đáo, toạ lạc tại số 1A và 1B, đường Quang Trung, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Được xây dựng vào năm 1928, công trình nằm trên khu đất rộng hàng nghìn mét vuông, gồm 2 tầng nổi, một tầng hầm và hai khối nhà.
Năm 1940, trong một chuyến đi nghỉ mát ở đây, vua Bảo Đại mua lại tòa nhà này để tặng thứ phi Phi Ánh. Từ đó, công trình này còn có tên gọi là “Biệt thự Phi Ánh”.
Trong thời gian sinh sống tại đây, vua Bảo Đại và bà Phi Ánh có với nhau hai người con: Con gái Nguyễn Phúc Phương Minh (SN 1950) và con trai Nguyễn Phúc Bảo Ân (SN 1951).
Rất dễ nhận ra sự khác biệt của biệt thự Phi Ánh với các công trình cổ khác ở Đà Lạt. Hầu hết biệt thự rải rác khắp Đà Lạt đều là kiến trúc Pháp, còn toà nhà này là công trình mang phong cách kiến trúc Tây Ban Nha duy nhất còn sót lại. Nó nổi bật bởi lối thiết kế bất đối xứng, mái nhà dốc, đầu mái không vươn dài khỏi tường, không có nhiều trụ cột và cổng vòm.
Tòa nhà có tông màu nâu xám của đá, được tôn lên trên nền trời Đà Lạt suốt gần 100 năm qua.
Nhà có nhiều cửa sổ nhỏ xung quanh tường với đủ kích thước và hình dạng: Vuông, tròn, chữ nhật, vòm cung, chữ thập. Tường được xây dày 60-80cm. Vật liệu chính để xây biệt thự là đá granite và đó là màu sắc chủ đạo của công trình.
Từ khuy núm cửa đến giá đèn tường đều được lưu giữ nguyên bản như khi nhập từ Pháp về năm 1928.
Biệt thự Phi Ánh còn nổi bật bởi nhiều bức phù điêu tinh xảo trên các bức tường. Trong đó, phải kể đến bức phù điêu Cô gái Chăm cao khoảng 1,5m, được đắp nổi ở phần tường vòm và gần cửa chính. Cô gái đầu đội mũ vàng hình 3 ngọn tháp Chăm, chân quấn 3 vòng vàng còn nguyên vẹn. Đây được coi là điều bí ẩn của biệt thự Phi Ánh về sự hòa trộn giữa một chi tiết trang trí mang đặc trưng văn hóa Á Đông trong ngôi nhà mang kiến trúc phương Tây.
Nhiều hiện vật gốc quý giá của ngôi biệt thự như đôi ghế mạ vàng, bộ bàn ghế ăn mà bà Phi Ánh từng sử dụng, các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc... vẫn đang được lưu giữ.
Bình luận