Liên quan đến việcmột số tài xế sử dụng tiền lẻ mua vé qua BOT quốc lộ 5, đoạn qua huyện Văn Lâm, Hưng Yên chiều 11/12, lực lượng chức năng đã điều động nhiều xe cứu hộ đến trạm để xử lý những xe ô tô không chịu di chuyển gây cản trở giao thông.
Trong số các xe được điều động, có một chiếc xe cứu hộ loại lớn màu trắng hiệu Kenworth (do Mỹ sản xuất) mang BKS: 29A – 002.35 màu xanh đậu ngay gần trạm thu phí quốc lộ 5 khiến nhiều người tò mò.
Video: Cận cảnh chiếc xe cẩu 'khủng' được điều đến BOT quốc lộ 5
Theo người lái chiếc xe cứu hộ "khủng", chiếc xe cẩu này được điều động đến để phục vụ việc đảm bảo phân luồng giao thông tại BOT quốc lộ 5. Nếu có trường trường hợp tài xế xe tải cố tình chống đối gây cản trở giao thông thì chiếc xe này có nhiệm vụ cẩu đi.
Qua tìm hiểu được biết, chiếc xe cứu hộ chuyên dụng mang tên Kenworth, do hãng Jerrdan thiết kế và có khối lượng 16,5 tấn, giá trị ước tính vào khoảng 22 tỷ đồng. Chiếc xe này có thể kéo được xe từ 30 tấn đến gần trăm tấn, chuyên dành cho việc kéo các loại xe có tải trọng lớn.
Điểm đặc biệt của chiếc xe này là được thiết kế thêm cần cẩu ngang để có thể kéo xe cần cứu hộ đi song song, chứ không chỉ kéo dọc thẳng hàng như các mẫu xe cứu hộ thông thường đang có tại Việt Nam hiện nay.
Chiếc xe Kenworth này sở hữu thân bằng thép hàn chắc chắn, sàn bằng kim loại dập nổi để tăng sức mạnh và tính thẩm mỹ, các ống chứa tay nâng trong sàn xe. Tùy chọn sẵn có cho xe gồm nhiều loại cẩu cứu hộ thủy lực, tời, hộp công cụ, các loại đèn và phụ kiện kéo xe.
Nhờ sử dụng cần nâng và cẩu được gắn trên khung xe cơ sở để chuyển lực khỏi thân xe trước hay sau hoặc ngang cũng giúp xe giảm độ hao mòn. Ngoài hệ thống điều khiển bằng tay chuyên dụng, chiếc xe còn có thể điều khiển cần trục bằng hệ thống từ xa...
Trước đó, vào sáng và chiều 11/12, tại trạm thu phí số 1 quốc lộ 5, một số tài xế cũng sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm.
Đặc biệt, có tài xế đưa nhân viên trạm thu phí 41.100 đồng để mua vé 40.000 đồng và yêu cầu tài xế trả lại 100 đồng tiền thừa. Nhân viên trạm không có tờ 100 đồng nên đưa 200 đồng trả lại tài xế, tuy nhiên lái xe nhất quyết không nhận, đòi bằng được 100 đồng mới chịu đi.
"Tôi làm đúng nên họ không có quyền gì mà ngăn cản tôi cả. Tôi đi qua có trả tiền và quan điểm của tôi là lấy đúng số tiền của mình chứ không nhận thừa. Tôi sẽ còn tiếp tục đòi lại số tiền này”, tài xế đòi nhân viên trạm trả lại 100 đồng tiền thừa nói.
Một tài xế khác bức xúc nói: “Trước đây chúng tôi phản đối về việc thu phí BOT quá cao và được tỉnh mời xuống họp. Trong cuộc họp họ bảo sẽ giảm phí từ ngày 30/11 nhưng qua ngày đó chúng tôi vẫn phải đóng phí với giá cũ mà không nhận được lời giải thích nào.
Mức phí này quá cao đối với tôi, mỗi lần đưa con đi học rồi vòng về là mất 80.000 đồng. Tính ra cả ngày đưa đi đón về tôi đã mất 160.000 đồng”.
Việc tài xế dùng tiền lẻ phản đối trạm thu phí xảy ra vào đúng giờ cao điểm khiến giao thông khu vực trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 ùn tắc kéo dài. Lực lượng chức năng phải phân luồng cho các xe ô tô đi sang làn xe máy để tránh ùn tắc.
Đặc biệt, vào chiều cùng ngày, trước diễn biến căng thẳng, lực lượng chức năng đã điều động nhiều xe cẩu đến trạm để xử lý những xe ô tô không chịu di chuyển gây cản trở giao thông.
Quốc lộ 5 là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Đông Hà Nội. Mỗi ngày có khoảng 15.000-16.000 lượt phương tiện qua trạm. Mức phí thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 180.000 đồng mỗi lượt, tùy loại phương tiện.
Trước đó, báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường ngoài BOT chạy song song với tuyến đường BOT để bảo đảm phương án tài chính của dự án. Trường hợp điển hình chính là dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5 cũ.
Bình luận