• Zalo

Chia sẻ video ăn rắn độc chữa COVID-19, nông dân Ấn Độ bị phạt

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 29/05/2021 19:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Người đàn ông bị phạt 7.000 rupee (hơn 2 triệu đồng) vì đăng tải video tuyên bố ăn rắn là phương pháp chữa COVID-19.

Vadivel - một nông dân Ấn Độ 50 tuổi tới từ làng Perumalpatti, huyện Tirunelveli, bang Tamil Nadu bị giới chức địa phương bắt giữ sau khi chia sẻ đoạn video gây xôn xao mạng xã hội.

Trong video, Vadivel vừa ăn rắn, vừa khẳng định đây là thuốc giải chữa COVID-19. 

Tại cơ quan điều tra, Vadivel khai bắt được con rắn trên một cánh đồng và giết nó trước khi ăn thịt.

Chia sẻ video ăn rắn độc chữa COVID-19, nông dân Ấn Độ bị phạt   - 1

Vadivel xuất hiện trong video. 

Trong khi đó, S Anand - một cán bộ lâm nghiệp địa phương cho biết Vadivel say xỉn khi quay video và bị người khác xúi giục ăn thịt con rắn. 

Anand nói thêm rằng Vadivel may mắn khi không cắn vào tuyến nọc độc của con rắn cạp nia trong video. Rắn cạp nia là một trong những loài rắn độc nhất thế giới. Nọc độc của nó có thể gây chết người nếu không điều trị kịp thời. 

Sau vụ việc, Vadivel bị phạt 7.000 rupee (hơn 2 triệu đồng). Giới chức Tamil Nadu cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự chữa COVID-19 theo cách này.

Đây không phải lần đầu tiên các phương pháp chữa COVID-19 phản khoa học được lan truyền tại Ấn Độ. Tại bang Gujarat, người dân tới các chuồng bò, bôi phân và nước tiểu của chúng lên khắp người với hy vọng có thể tăng sức đề kháng của cơ thể trước bệnh COVID-19.

Đầu tháng 4. một nghị sỹ Ấn Độ chia sẻ video uống nước tiểu bò như "phương thuốc chữa COVID-19".

Các chuyên gia Ấn Độ cảnh báo người dân không nên dùng các phương pháp điều trị COVID-19 “phi khoa học” và chưa được kiểm chứng. Họ khẳng định đây chỉ là giải pháp tâm lý tạo cảm giác an toàn nhất thời, không thể điều trị khỏi bệnh và thậm chí làm phức tạp thêm các vấn đề về sức khỏe cho người bệnh.

Song Hy(Nguồn: India Today)
Bình luận
vtcnews.vn